1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng để mất vốn chủ sở hữu

(Dân trí) - Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng vẫn chưa hoàn thành thoái vốn đầu tư, chưa giảm tỷ lệ đầu tư theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt thì không ít công ty khác lại xảy ra tình trạng mất vốn chủ sở hữu, hoặc để xảy ra tình trạng nợ phải thu tồn đọng, nợ phải thu khó đòi…


Một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng được đánh giá là kém hiệu quả, có nguy cơ mất vốn chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng được đánh giá là kém hiệu quả, có nguy cơ mất vốn chủ sở hữu (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu toàn diện đối với 16 doanh nghiệp (DN), gồm 12 tổng công ty-công ty cổ phần và 4 tổng công ty-công ty TNHH Một thành viên, mà trọng tâm là kết thúc cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn theo lộ trình hợp lý.

Các DN này gồm Tổng công ty: DIC, Sông Hồng, Bạch Đằng, Viglacera, Viwaseen, Xây dựng Hà Nội, Ligogi, Lilama, CC1, Fico, VNCC, Coma, HUD, Sông Đà, Idico và Vicem. Trong đó, 12 DN đã được Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa, 4 DN còn lại là Sông Đà, Idico, HUD, Vicem mới được bổ sung.

Trước đó, kết quả giám sát đầu tư tài chính ghi nhận trong báo cáo đánh giá tình hình tài chính ở các DN thời điểm năm 2015 còn cho thấy không ít hạn chế. Chẳng hạn chưa thực hiện phân tích, đánh giá được tình hình đầu tư vốn ra ngoài và hiệu quả đầu tư ra ngoài của công ty mẹ; chưa phân tích rõ nguyên nhân thua lỗ, đánh giá mức độ an toàn tài chính của khoản đầu tư và đề xuất biện pháp xử lý.

Tổng số đầu tư vốn ra ngoài DN tại thời điểm 31/12/2015 của một số công ty mẹ - tổng công ty điều chiếm tỷ trọng rất lớn đối với vốn đầu tư của chủ sở hữu. Cá biệt, có đơn vị giá trị đầu tư vốn ra ngoài DN gấp hơn 2 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu. Lấy ví dụ tại Tổng công ty CC1, số đầu tư tài chính vào các DN khác lên tới 1.058,2 tỷ đồng trên 517,9 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Cổ tức và lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư vốn ra ngoài DN thấp hơn so với lãi suất huy động cùng kỳ của ngân hàng thương mại cho thấy về tổng quát, hoạt động đầu tư vốn ra ngoài của một số công ty mẹ có hiệu quả thấp.

Đặc biệt, có một số công ty xảy ra tình trạng mất vốn chủ sở hữu, DN được đầu tư đã ngừng hoạt động, đang làm thủ tục phá sản dẫn đến nguy cơ mất vốn. Đó là trường hợp Tổng công ty FICO đầu tư vào Công ty Havalifico; trường hợp Tổng công ty DIC đầu tư vào Công ty CP Cầu Kiên Bê Tông DIC – Miền Đồng, Công ty CP Vật liệu xây dựng DIC, Công ty CP Gạch men Anh EM DIC; và trường hợp Tổng công ty IDICO đầu tư vào Tổng công ty Xây dựng Miền Trung và IDICO 10.

Riêng tại Tổng công ty IDICO, việc đầu tư chéo (công ty mẹ, công ty con cùng góp vốn thành lập công ty khác) là tồn tại trong hoạt động đầu tư vốn ra ngoài DN, chưa phù hợp với quy định hiện hành nhưng tổng công ty này lại chưa đánh giá và đề xuất biện pháp khắp phục để chấm dứt tình trạng đầu tư chéo.

Đến cuối năm 2015, nhiều DN thuộc Bộ Xây dựng vẫn chưa hoàn thành thoái vốn đầu tư, chưa giảm tỷ lệ đầu tư vốn tại một số công ty theo đề án, kế hoạch được phê duyệt. Có thể kể đến việc thoái vốn của CC1, Viwaseen, DIC. Có những đơn vị còn thực hiện đầu tư vào đơn vị khác trong khi chưa xin ý kiến chủ sở hữu, đơn vị đầu tư không nằm trong Đề án tái cơ cấu dược duyệt, như trường hợp Tổng công ty COMA thực hiện đầu tư tăng vốn vào Công ty CP khóa Minh Khai.

Báo cáo đánh giá tình hình tài chính tại một số tổng công ty vẫn còn một số hạn chế như chưa phân tích, đánh giá tình hình công nợ phải thu khó đòi, nợ đến hạn, nợ quá hạn, khả năng thanh toán nợ (trường hợp tại Tổng công ty Bạch Đằng, Tổng công ty FICO).

Có đơn vị còn chậm ban hành quy chế quản lý công nợ so với quy định (trường hợp tại Tổng công ty FICO chậm 49 ngày, CC1 chậm 53 ngày, DIC chậm 19 tháng). Nhiều đơn vị không thực hiện lập và báo cáo chủ sở hữu 6 tháng và hàng năm về tình hình quản lý, thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, phân tích khả năng, tình hình thanh toán nợ (COME, FICO, CC1, Viwaseen, IDICO, DIC).

Có những đơn vị để xảy ra tình trạng nợ phải thu tồn đọng, nợ phải thu khó đòi thời gian dài; tình trạng nợ phải trả quá hạn trên 6 tháng nhưng chưa báo cáo chủ sở hữu và chưa có biện pháp xử lý (trườn hợp của COMA, DIC).

Theo đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ sẽ giữ nguyên tỉ lệ vốn Nhà nước như hiện tại ở Tổng công ty Licogi và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ quý I/2017.

Nhóm 10 tổng công ty-công ty cổ phần cần thời gian hoàn tất công tác cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn về mức 36% hoặc Nhà nước không nắm giữ và chuyển giao về SCIC hoặc cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các năm 2018-2019.

Nhóm 5 tổng công ty (Lilama, Vicem, Sông Đà, Viglacera, HUD) do nắm giữ khối tài sản lớn hay đã và đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2020, từ năm 2021 sẽ thoái tiếp theo quy định và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, với 10 tổng công ty-công ty cổ phần, Bộ Xây dựng phải bán hết vốn Nhà nước vào năm 2018; DN nào còn giữ 36% vốn thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với nhóm 5 tổng công ty thì chậm nhất năm 2019 phải thoái vốn dưới 51%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm