Nhiều doanh nghiệp “ma” rút ruột ngân sách

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ông Bùi Văn Nam cho biết, quy định của luật quá thoáng đã vô tình giúp nhiều doanh nghiệp (DN) ma ra đời, gây thất thu cho ngân sách.

Tái diễn tình trạng thành lập DN ma lừa đảo rút tiền ngân sách (Ảnh: Ngọc Châu)
Tái diễn tình trạng thành lập DN ma lừa đảo rút tiền ngân sách (Ảnh: Ngọc Châu)

 

Luật yếu, lừa đảo nhiều

 

Được biết Tổng cục Thuế đã có kiểm tra đối với các hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức của 8 DN liên quan đến Rừng Toàn Cầu, kết quả ra sao thưa ông?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Qua kiểm tra, 8 Cty liên quan đến Rừng Toàn Cầu đều chưa đăng ký in, phát hành hóa đơn, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên chủ yếu phát sinh thuế môn bài với số tiền 85,5 triệu đồng. Chưa hoạt động nhưng có 4 Cty đã bị xử phạt do chậm nộp tờ khai thuế tổng cộng 110,6 triệu đồng. 4 Cty được khấu từ thuế GTGT đầu vào 52,7 triệu đồng nhưng chưa phát sinh hồ sơ xin hoàn thuế.

 

Với giá trị vốn ảo quá lớn (8 Cty đăng ký vốn điều lệ khoảng 88.000 tỷ đồng, bình quân 11.000 tỷ đồng/Cty) tạo nên những con số thống kê về tăng trưởng kinh tế không thực. Việc hoạt động ảo đi kèm hành vi lừa đảo gây nên những khó khăn nhất định trong điều hành kinh tế của các địa phương.

 

Dưới góc độ của ngành Thuế, loạt phóng sự điều tra về Cty Rừng Toàn Cầu giúp ích rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước nhìn thấy rõ hành vi lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để một cá nhân hoặc một số người cùng nhân thân thành lập hàng loạt doanh nghiệp (DN) với số vốn đăng ký lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng/đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo.

 

Ông đánh giá thế nào về tình trạng lập DN ma để hoạt động lừa đảo tại các địa phương hiện nay?

 

Do các quy định dễ dãi về đăng ký thành lập DN, tại hầu hết địa phương trên toàn quốc đều có tình trạng tội phạm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để khấu trừ, hoàn thuế diễn ra trên diện rộng và ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ việc cơ quan điều tra bế tắc, không xử lý được vì không tìm ra kẻ chủ mưu.

 

Khi kiểm tra tình hình kê khai, nộp thuế của DN, cơ quan thuế tại nhiều địa phương phát hiện hàng loạt DN không tồn tại ở nơi đã đăng ký trụ sở chính. Nhiều trường hợp người đứng tên chủ DN chỉ là lái xe ôm, nông dân được thuê làm chủ DN và thực tế không có hiểu biết về pháp luật.

 

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu bổ sung thêm điều kiện cơ quan cấp đăng ký kinh doanh phải có thông tin về nhân thân của chủ DN, tình hình tài chính, nhà xưởng, trụ sở chính của DN. Đặc biệt phải bổ sung quy định người đứng tên chủ DN phải có hiểu biết về pháp luật.

 

Đủ kiểu rút ruột ngân sách

 

Những chiêu mà các DN ma nói trên thường áp dụng là gì?

 

Việc thành lập DN để mua, bán hóa đơn nhằm trốn thuế và trục lợi từ việc hoàn thuế GTGT diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Mới đây nhất, công an TP Cần Thơ khởi tố và bắt giam một cá nhân chuyên bán hóa đơn cho các DN khác để hưởng lợi.

 

Đây là trường hợp của ông Đỗ Hoàng Khánh (lập Cty TNHH Xây dựng thương mại Đỗ Hoàng Khánh tại TP Cần Thơ). Từ giữa năm 2012 đến tháng 6/2013, ông Khánh đã bán 580 hóa đơn VAT khống cho 87 DN với tổng giá trị hàng hoá ghi gần 47 tỷ đồng để hưởng lợi 3 tỷ đồng.

 

Cũng có tình trạng, một cá nhân đứng ra thành lập một số DN để bán và cung cấp hóa đơn chéo cho nhau để hưởng lợi. Như trường hợp ông Trần Văn Đực (Trà Vinh) đứng ra thành lập 3 DN kinh doanh hàng nông lâm thủy sản gồm: Cty TNHH MTV Thương mại Công Đức (tỉnh Trà Vinh), Cty TNHH MTV Thương mại Hoàn Thành và Cty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Chí Thiện (tỉnh Tiền Giang).

 

Các Cty này không hoạt động mà chỉ in và bán hóa đơn VAT để thu lợi hoặc mua bán hàng hóa khống qua lại cho nhau nhằm khấu trừ hóa đơn “đầu ra” và “đầu vào”.

 

Từ năm 2011 đến đầu năm 2013, 3 Cty đã bán 291 hóa đơn VAT cho 38 DN trong và ngoài tỉnh Trà Vinh với tổng giá trị hàng hóa khống ghi trên hóa đơn hơn 20 tỷ đồng. Thu lợi bất hợp pháp hơn 2 tỷ đồng. Công an TP Trà Vinh đã khởi tố và bắt giam bị can và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

 

Một hình thức khác để bán hóa đơn là thành lập chuỗi DN ở nhiều địa phương khác nhau để cung cấp hóa đơn qua nhiều mắt xích trung gian. Có trường hợp mua bán hóa đơn qua 7 khâu.

 

Đây là chiêu bán hóa đơn bị phát hiện tại các DN ở tỉnh Đồng Nai như: Cty TNHH Thiên Phúc Lộc, Cty TNHH TMDV Phú Hưng Long, Chi nhánh Cty TNHH TMDV Phú Hưng Long, DNTN Ân Hồng Phước, Cty TNHH Trường An Phát Đạt.

 

Các đơn vị này có vốn chủ sở hữu rất thấp (bình quân dưới 20 tỷ đồng/DN), nhưng doanh thu (năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013) đã lên tới 32,3 nghìn tỷ đồng. Doanh thu cao nhưng số thuế VAT các DN phải nộp chỉ có 4 tỷ đồng.

 

Với chiêu thức này, các DN trên đã rút ruột ngân sách qua việc khấu trừ thuế VAT tới 1.617 tỷ đồng. Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố và bắt giam các bị can và đang tiếp tục mở rộng điều tra để bóc dỡ các đường dây mua bán hóa đơn bất hợp pháp có liên quan. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều cá nhân ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM đã tham gia chuỗi DN “đen” này tại Tây Nguyên.

 

Vậy ở Hà Nội tình hình ra sao thưa ông?

 

Qua kiểm tra, chúng tôi cũng phát hiện tình trạng lợi dụng ưu đãi Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và cơ chế hoàn thuế hàng xuất khẩu. Đây là trường hợp Cty Rượu Hà Nội kê khai xuất khẩu rượu để miễn thuế TTĐB và hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, khi kiểm tra hàng thực xuất lại là mặt hàng gạo để không phải nộp thuế TTĐB (45%) và hoàn thuế VAT (10%).

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước