Nhiều “đại gia” cố tình kê khai thuế sai
Ủy ban Tài chính ngân sách dẫn kết quả kiểm toán năm 2007 cho biết đã có những doanh nghiệp lớn cố tình kê khai sai, làm giảm thuế phải nộp như: Vietnam Airline (168 tỉ đồng), Viettel (166 tỉ), Vietinbank (160 tỉ), Vietcombank (196 tỉ)...
Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo giám sát về thực hiện quy định của pháp luật về quản lý thuế và thẩm tra về dự thảo Luật giá do Chính phủ trình. Theo đó, Ủy ban TCNS đề nghị giảm hình thức thuế khoán và Luật giá cần cụ thể hơn...
Về kết quả giám sát thực hiện quy định về thuế mà nhiều doanh nghiệp quan tâm nêu rằng quy định còn rườm rà, phức tạp... Ủy ban TCNS cho rằng một số quy định của Luật quản lý thuế đúng là chưa thống nhất, tính khả thi chưa cao, chưa thuận lợi trong áp dụng. Một số nội dung trong thông tư của Bộ Tài chính chưa hợp lý nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tìm cách lách luật trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đặc biệt, Ủy ban TCNS dẫn kết quả kiểm toán năm 2007 cho biết đã có những doanh nghiệp lớn khi đó cố tình kê khai sai, làm giảm thuế phải nộp như: Tổng công ty Hàng không VN (168 tỉ đồng), Tổng công ty Viễn thông quân đội (166 tỉ), Ngân hàng Công thương (160 tỉ), Ngân hàng Ngoại thương (196 tỉ)...
Tại các địa phương năm 2008, việc miễn giảm thuế còn nhiều sai sót, nhất là các sai phạm trong miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng, thuê đất. Năm 2009 vẫn còn năm địa phương miễn giảm thuế sai quy định, trong đó TP.HCM 34 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 1,5 tỉ, Bình Thuận 0,5 tỉ...
Ủy ban TCNS kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tránh áp dụng các thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí khiến doanh nghiệp phải tìm cách lách luật. Đặc biệt về thuế khoán, ấn định thuế, Ủy ban TCNS đề nghị sửa đổi quy định về thuế khoán tiến tới thu hẹp, hạn chế tối đa loại hình thu thuế này.
Với Luật giá, Ủy ban TCNS cho rằng dự thảo Luật giá còn định tính, quy định chung chung dẫn tới cách hiểu khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến Nhà nước can thiệp quá sâu vào giá cả thị trường.
Về bình ổn giá, đồng tình cần bình ổn một số mặt hàng cơ bản nhưng Ủy ban TCNS cho rằng chính sách thời gian qua chưa đảm bảo công bằng, cơ bản chỉ áp dụng ở thành phố lớn, siêu thị, nơi người nghèo không thể tiếp cận. Việc thực thi không đi kèm kiểm soát đã dẫn tới lợi dụng, người dân không được hưởng trong khi sử dụng ngân sách lãng phí, kém hiệu quả, gây dư luận không tốt. Ủy ban TCNS kiến nghị dự luật giá phải cụ thể hơn, không nên giao Chính phủ quy định cụ thể quá nhiều vấn đề.
Theo Cẩm Văn Kình
Tuổi trẻ