Nhiều “chiêu” nhận biết, tiền giả polymer khó “lọt”

(Dân trí) - Lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước Quý I năm nay đã giảm 32,11% so với cùng kỳ năm 2011. Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết tiền giả bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng.

Nhiều “chiêu” nhận biết, tiền giả polymer khó “lọt”

Tiền giả có thể phân biệt được bằng tay và mắt thường (ảnh minh họa).

Ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố về tình hình tiền giả polymer quý I/2012.

Theo số liệu thống kê của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã có xu hướng giảm dần.

Cụ thể, Quý I năm nay, lượng tiền giả bị thu giữ giảm 32,11%  so với cùng kỳ năm 2011, giảm 45,63% so với cùng kỳ năm 2010 và giảm 75,23% so với cùng kỳ năm 2009.

Nhiều “chiêu” nhận biết, tiền giả polymer khó “lọt”

Tiền giả trong lưu thông đang giảm.

Kết quả nghiên cứu của NHNN cho thấy, các loại tiền giả xuất hiện sau thường có hình thức làm giả gần giống tiền thật hơn, nhưng không có các yếu tố bảo an hoặc có nhưng không tinh xảo, sắc nét như tiền thật.

Đến nay, các loại tiền giả polymer đã thu giữ đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các đặc điểm bảo an dành cho công chúng (như: hình bóng chìm, dây an toàn, in lõm, mực đổi  màu, DOE...).

Đơn giản hơn, người tiêu dùng có thể nhận biết tiền giả thông qua kéo nhẹ ở cạnh tờ bạc (tiền giả làm bằng chất liệu nilon, dễ bai giãn hoặc rách).

Mặc dù vậy, phía NHNN cũng lưu ý rằng, nếu người tiêu dùng không nắm được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể là nạn nhân tiềm tàng của tội phạm về tiền giả.

Cơ quan này khuyến nghị người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt để giảm thiểu rủi ro nhận phải tiền giả.

Bốn cách đơn giản để nhận biết tiền giả:

Cách 1: Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dây an toàn (dây bảo hiểm). 

Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền: hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền giấy, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo; dây an toàn có các chữ và số rõ ràng, sắc nét và sáng hơn màu nền xung quanh.

Ở tiền giả sẽ không có hình bóng chìm và dây an toàn; hoặc hình bóng chìm không tinh xảo như tiền thật, chỉ là hình mô phỏng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bề mặt; các chữ, số trên dây an toàn không rõ ràng, sắc nét và tối hơn nền giấy.

Cách 2: Dùng tay vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (tại các vị trí: dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...). 

Ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả: chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Cách 3: Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra yếu tố mực đổi màu (OVI) và yếu tố IRIODIN. 

Ở tiền thật yếu tố OVI có màu vàng đất khi nhìn thẳng và chuyển dần sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng. Yếu tố IRIODIN là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ tiền.

Ở tiền giả: không có yếu tố mực đổi màu, hoặc in giả màu vàng/xanh lá cây nên không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; không có dải màu vàng lấp lánh khi chao nghiêng tờ tiền.

Cách 4: Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền.

Kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn: ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo, tiền giả không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn, nếu có chỉ là các nét dập thô, không tinh xảo như tiền thật.

Kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa cửa sổ tới gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ và hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa ...) sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng. Nếu là tiền giả, trong cửa sổ nhỏ sẽ không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.

Giang Nhi