Nhiều cải tiến về cấp phép xây dựng có hiệu lực từ hôm nay
Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng (GPXD) là Nghị định đầu tiên quy định về công tác cấp GPXD sẽ có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (20/10). So với quy định cấp GPXD trước đây thì quy định này có nhiều điểm mới.
Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về GPXD còn tồn tại một số bất cập. Đơn cử như thực tế hiện nay, đối với những công trình lớn (công trình cấp I, cấp đặc biệt) nếu để thiết kế xong mới có GPXD thì sẽ mất thời gian tương đối dài.
Khắc phục bất cập trên, Nghị định 64/2012/NĐ-CP đã quy định mới: đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì có thể đề nghị để được xem xét cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn.
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Hoàng Thọ Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, việc cấp giấy phép theo giai đoạn sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể triển khai xây dựng ngay cả khi thiết kế toàn bộ công trình lớn chưa xong. Đây là một điểm mới về quy định cấp phép xây dựng.
Chẳng hạn như một công trình khi đã thiết kế xong móng rồi thì có thể cấp GPXD trong giai đoạn móng trước. Hoặc những công trình theo tuyến có hàng trăm cây số, để thiết kế hoàn chỉnh cả tuyến thì mất thời gian dài cho nên thiết kế theo giai đoạn đến một mức độ đủ yêu cầu theo quy định thì có thể cấp phép cho giai đoạn đó.
Sửa thiết kế trong nhà không phải điều chỉnh GPXD
Trước đây, trường hợp đã được cấp GPXD rồi muốn điều chỉnh thiết kế thì phải xin điều chỉnh GPXD. Tuy nhiên, ông Vinh cho biết, cũng theo quy định mới (Nghị định 64/2012/NĐ-CP) thì trường hợp điều chỉnh thiết kế không ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc bề ngoài và không ảnh hưởng đến các yêu cầu khác như: Phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm thì không cần thiết phải xin điều chỉnh GPXD.
Đặc biệt, nhà ở của người dân điều chỉnh thiết kế mà không ảnh hưởng đến môi trường, phòng cháy chữa cháy,… thì có thể điều chỉnh trong nội bộ công trình mà không phải xin giấy phép nữa. Ví dụ nhà ở của người dân nếu theo bản thiết kế vị trí cầu thang thấy không còn phù hợp thì có thể chuyển xây góc khác.
Quy định mở về cấp phép xây dựng tạm
Nghị định 64/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ hôm nay cũng bao gồm việc quy định mở về GPXD tạm. Theo đó, đối với khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì tổ chức, cá nhân được đề nghị xin GPXD tạm và phải đúng mục đích sử dụng đất.
"Công trình được cấp GPXD tạm không phải là công trình tạm mà là công trình tồn tại có thời gian, khi xây dựng vẫn phải đảm bảo an toàn cho công trình về kết cấu, đảm bảo các quy định khác như về phòng cháy chữa cháy, môi trường, hành lang an toàn… Đến thời hạn thu hồi thì phải phá, bàn giao đất cho cơ quan có thẩm quyền", ông Vinh khẳng định.
Thủ tục cấp phép xây dựng “một cửa”
Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong cấp phép xây dựng, Nghị định quy định theo hướng cải cách hành chính và cơ chế một cửa. Tức là, nếu công trình xây dựng của người dân có liên quan đến đê điều thì cơ quan cấp phép có trách nhiệm hỏi ý kiến cơ quan quản lý về đê điều hay như trường hợp công trình xây dựng của người dân liên quan đến hành lang đường bộ, đường sắt, lưới điện,… thì cơ quan cấp phép phải hỏi ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trường hợp cơ quan cấp phép hỏi mà cơ quan có liên quan không trả lời, thì cơ quan cấp phép căn cứ vào quy định để cấp phép. Nếu sau này có vấn đề gì thì cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm.
Đồng thời, trong quá trình quản lý trật tự xây dựng, công trình nào xây không phép hoặc xây dựng sai giấy phép thì cơ quan thanh tra xây dựng hoặc cơ quan cấp phép có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp điện, nước ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm.
Ông Vinh cho biết thêm, Bộ Xây dựng đang xây dựng 2 Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về cấp GPXD và hướng dẫn các loại giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất. Trong đó, Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về cấp GPXD sẽ quy định chi tiết hồ sơ, điều kiện cấp giấy phép cho từng loại công trình: dân dụng, giao thông, công nghiệp, đô thị, nhà ở riêng lẻ,…