1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều cái mới của "Kinh tế 4.0" đang bị ngăn chặn, triệt tiêu?

(Dân trí) - Chuyên gia Nguyễn Đình Cung thừa nhận: "Nhận thức Cách mạng 4.0 tại Việt Nam hiện chưa đầy đủ, có nhiều cái mới manh nha ban đầu đang bị chặn đứng, triệt tiêu hơn là thúc đẩy nó hoàn thiện, phát triển".

Tại Hội thảo "Khơi thông cải cách và củng cố niềm tin đầu tư" được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17/10, nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận, quản lý kinh tế chưa theo kịp, thậm chí lạc hậu so với biến chuyển nhanh chóng của cái mới và diễn biến kinh tế toàn cầu.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ về "ảo ảnh" Cách mạng 4.0 ở Việt Nam từ nhận thức, khái niệm, đến thực tế, đối sách.

"Nhăm nhăm" triệt tiêu cái mới

Ông Cung cho rằng, xu hướng của kinh tế toàn cầu trong thời đại 4.0 có hai loại: Một là Cách mạng 4.0 sẽ chuyển đổi nền sản xuất hiện tại sang thông minh hơn, tối ưu hóa nguồn lực.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, chuyên gia kinh tế.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, chuyên gia kinh tế.

Thứ hai, Cách mạng 4.0 sẽ phát kiến ra những loại hình kinh doanh mới, xuất hiện những startup - mô hình kinh doanh mới, cơ hội kinh tế số, cơ hội này rõ nét hơn tại Việt Nam, quốc gia có dân số trẻ và có khá nhiều kỹ sư công nghệ thông tin, người khởi nghiệp lớn.

Nhưng vị chuyên gia thừa nhận: "Nhận thức Cách mạng 4.0 tại Việt Nam hiện chưa đầy đủ, có nhiều cái mới manh nha ban đầu đang bị chặn đứng, triệt tiêu hơn là thúc đẩy nó hoàn thiện, phát triển".

Ông Cung ví dụ: Bằng chứng là Dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 của Bộ GTVT về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không thừa nhận hình thức kinh doanh mới của Uber và Grab. Đồng thời, tìm mọi cách để quản lý, giám sát.

Theo Viện trưởng CIEM: Thời đại thay đổi, chúng ta đang có nhiều loại hình kinh tế sẻ chia khác với nhiều cơ hội và gia tăng kết nối như du lịch, xây dựng... Tuy nhiên, nhiều cơ quan lại luôn tìm cách "triệt tiêu" những cái mới này.

"Những cuộc cách mạng công nghiệp lần trước, chúng ta vì cái này hay cái kia mà không nắm được, lần này chúng ta có khả năng có thể tận dụng được Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà không nắm được thì đừng đổ lỗi cho lịch sử", ông Cung cảnh báo.

Khó lập hàng rào hay yếu năng lực?

Theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ KH&ĐT, nền kinh tế Việt Nam hiện nay bộc lộ nhiều yếu kém mà dù có nhìn rõ nhưng cũng khó giải quyết được.

TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia.
TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia.

Theo ông Ân: Vừa qua chúng ta đã để xảy ra quá nhiều sai phạm về quy hoạch phát triển. Hàng loạt tỉnh có quy hoạch sân bay, cảng biển, chúng ta có sai lầm ở các quy hoạch ngành mía đường, xi măng lò đứng, sắt thép nhưng chưa giải quyết được, sai lầm này nối sai làm khác.

"Tôi thấy là 3 năm vừa qua, chúng ta chưa có công trình nào trọng điểm để gối đầu, kế tục cho những năm tiếp theo. Quy hoạch là sai lầm ghê gớm diễn ra nhiều năm trước. Sắp tới đây, Luật Quy hoạch có hiệu lực, chúng ta lại phải sắp xếp lại, rồi lại một vấn đề là lãng phí nguồn lực rất ghê gớm", ông Ân nói.

Theo ông này, Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến bản thân nước này tái cơ cấu mô hình phát triển, trọng cung nhiều, sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước thay vì chủ yếu hướng ra xuất khẩu, Trung Quốc đang tăng cường làm điều này.

Tuy nhiên, theo ông Ân, ở Việt Nam, chúng ta chưa đưa ra được chính sách đối phó với thách thức và tận dụng các cơ hội.

Ông này cho hay: "Khả năng đối phó với cú sốc của kinh tế Việt Nam trong 2- 5 năm là dấu hỏi. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu có cơ hội, Việt Nam có thì tận dụng được hay không, đây là câu hỏi bỏ ngỏ. Còn phần lớn người ta nhắc đến khó khăn, thì các cơ quan chức năng đã tư vấn cho Chính phủ, đưa ra các phác đồ làm thế nào hay chưa?".

Theo ông Ân, làm hàng rào hàng để ngăn chặn hàng xấu, kém chất lượng khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta bảo lập được. Nhưng đến nay chúng ta không có được, thành thử hàng rào nước khác họ chặn được hàng của ta, còn chúng ta không chặn được hàng vi phạm của nước khác vào lãnh thổ.

An Linh

Nhiều cái mới của "Kinh tế 4.0" đang bị ngăn chặn, triệt tiêu? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm