Nhiều bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo

Việc quản lý, cấp phép hoạt động quảng cáo, rao vặt ở Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cung cách quản lý này đang đã đẩy các doanh nghiệp buộc phải chọn giải pháp làm liều.

Thủ tục rườm rà, quản lý chồng chéo

 

Ông Hà Đình Thái, Chủ tịch Cty cổ phần quảng cáo Hà Thái (14 Nguyễn Trường Tộ) cho rằng, nếu như Pháp lệnh quảng cáo, các Nghị định và thông tư hướng dẫn đơn giản hoá về thủ tục xin cấp giấy phép, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bao nhiêu thì chính những giấy phép “con” của các cơ quan chức năng Hà Nội đề ra lại gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp bấy nhiêu.

 

Theo ông Thái, thông thường để có một giấy phép quảng cáo, doanh nghiệp phải có ít nhất trên dưới 10 loại giấy tờ khác nhau (như: Giấy thẩm định của các Sở, ngành: GTCC, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, văn hoá; hợp đồng thuê mặt bằng; giấy xác nhận của chính quyền địa phương…), với thời gian ròng rã từ 3 đến 4 tháng trời mới có thể tiến hành dựng được một tấm biển quảng cáo.

 

“Trong quyết định số 10/2001 của UBNDTP Hà Nội, quy định thành lập Hội đồng thẩm định cấp phép để giảm thủ tục, thời gian cho các doanh nghiệp, thế nhưng thực tế Hội đồng này chưa có, buộc các doanh nghiệp phải tự mình “chạy từng cửa, gõ từng Sở” để có giấy phép.

 

Có khi hồ sơ đã đầy đủ nhưng chỉ vì thiếu một chữ ký hay một sở chưa gật thì việc cấp phép bị ách tắc mãi”- Ông Thái bức xúc nói. 

 

Ông Phạm Đình Tiến, Giám đốc Cty TNHH quảng cáo trẻ Hà Nội (59 Nguyễn Thái Học)-một trong những doanh nghiệp có tên nhiều nhất trong bảng danh sách của Sở VHTT về số lần vi phạm-cho rằng, cung cách quản lý lâu nay đã đẩy các doanh nghiệp buộc phải chọn giải pháp là làm liều, dẫn đến nhiều vi phạm.

 

Theo ông Tiến, ngay cả như việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm cũng còn nhiều bất cập. “Suốt 3 năm nay doanh nghiệp không được cấp phép chỉ vì một biển quảng cáo đã vi phạm.

 

Điều này là hết sức vô lý, bởi vì biển nào vi phạm thì họ đã xử phạt hành chính và không lý do nào lại ngừng cấp phép toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Không cấp phép  thì thử hỏi làm sao doanh nghiệp  chúng tôi sống được?”-Ông Tiến nói.

 

“Cuộc chiến” chưa có hồi kết!

 

Theo Sở VHTT, hiện nay Sở đã lấy ý kiến của các quận huyện, sở ngành liên quan để trình lên UBND TP về hai bản dự thảo: Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn và quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên địa bàn Hà Nội.

 

Theo đề án quy hoạch sẽ có một mẫu thống nhất về kích thước bảng, biển, kiểu cột trụ cho loại hình quảng cáo tấm lớn. Trong đó, quy định rõ các địa điểm được phép đặt biển quảng cáo. Cùng với việc quy hoạch quảng cáo tấm lớn ngoài trời, trong thời gian tới Hà Nội sẽ quy hoạch hoạt động quảng cáo, rao vặt.

 

Cụ thể, trên địa bàn thành phố sẽ hình thành những điểm thông tin quảng cáo, rao vặt được đặt ở những nơi có nhu cầu lớn như: Bến xe, nhà ga, các khu chung cư… Tại mỗi điểm thông tin này sẽ phân ra từng nội dung quảng cáo cụ thể, như: Khoan cắt bê tông, khoan giếng, gia sư, tìm việc... 

 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội quảng cáo Việt Nam dự thảo quy chế trên còn nhiều điểm chưa hợp lý-Cụ thể,  trong trình tự thủ tục cấp phép, Hiệp hội đã đề nghị bỏ yêu cầu hồ sơ xin phép phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng kinh tế giữa chủ quảng cáo và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

 

Bởi vì đây là hợp đồng kinh tế thuộc phạm vi bí mật kinh doanh nên doanh nghiệp không thể cung cấp. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị, thay mặt cho các hội viên, các doanh nghiệp đảm nhiệm việc xin phép nhằm giải quyết được những “ách tắc” trong khâu thủ tục cấp phép.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp quảng cáo cũng cho rằng, trong bản dự thảo của Sở VHTT việc xin cấp phép vẫn phải có thoả thuận với các cơ quan liên quan trong việc thẩm định thì chưa thực sự gọi là thông thoáng và chưa phù hợp với ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai chính sách “một cửa” trong cấp phép quảng cáo.

 

Phạt cứ phạt, vi phạm cứ vi phạm!

 

Tình trạng lộn xộn, vi phạm tràn lan không chỉ trong hoạt động quảng cáo, rao vặt mà ngay cả hoạt động quảng cáo tấm lớn ngoài trời. Quảng cáo lớn ngoài trời đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, song ở Hà Nội hiện nay hoạt động này còn nhiều bất ổn, gây bức xúc cho người dân và mất mỹ quan đô thị. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo vi phạm và tái phạm ngày càng gia tăng.

 

Theo số liệu thống kê của Sở VHTT, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2006, trong tổng số trên 200 biển quảng cáo lớn thì đã có 148 bảng quảng cáo vi phạm như: Hết hạn giấy phép không gia hạn, không có giấy phép, hoặc thực hiện sai phép.

 

Tập trung nhiều nhất là các biển quảng cáo tấm lớn ở khu vực đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, Cửa Nam, các ngã tư, ngã năm… Đáng chú ý, có doanh nghiệp gần 80% biển quảng cáo dựng lên mà không hề có giấy phép hoặc thực hiện sai phép.

 

Nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã nhận được quyết định xử lý vi phạm vẫn cố tình chây ỳ không chịu nộp phạt hoặc nộp phạt cho qua chứ không tháo dỡ những biển quảng cáo  vi phạm.

 

Một số doanh nghiệp khi vi phạm, không được tiếp nhận hồ sơ xin phép quảng cáo đã đối phó bằng cách thành lập các doanh nghiệp mới để tiếp tục xin cấp phép nhưng thực chất chỉ là một. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép quảng cáo của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, số doanh nghiệp vi phạm ngày càng tăng.  

 

Theo Nguyễn Tú

Báo Tiền phong