Nhảy vào cuộc chơi nghìn tỷ của đại gia: DN “chết”, trái chủ trắng tay

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo, nếu không phân tích, đánh giá, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN) chỉ vì nhìn thấy lãi suất cao, cá nhân/tổ chức có thể mất toàn bộ vốn.

Nhảy vào cuộc chơi nghìn tỷ của đại gia: DN “chết”, trái chủ trắng tay - 1

Thị trường trái phiếu tăng trưởng "nóng" trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê của HNX, luỹ kế 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hơn 2.064 đợt trái phiếu với số vốn dự kiến huy động hơn 435.550 tỷ đồng. Kết quả có 174 doanh nghiệp phát hành thành công và huy động hơn 237.000 tỷ đồng.

Các công ty bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng vốn huy động qua kênh trái phiếu với hơn 30%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán.

Một trong nguyên nhân dẫn đến việc bùng nổ phát hành trái phiếu trong thời gian đây là do doanh nghiệp gấp rút chạy đua trước thời điểm nghị định 81 với những ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành có hiệu lực.

Trao đổi với Dân trí, TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính đã đưa ra một số nhận định cũng như lưu ý về vấn đề rủi ro đối với thị trường này.

Khó giám sát dòng tiền huy động, rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư

Thị trường trái phiếu thời gian qua tăng trưởng rất “nóng”. Một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao hoặc công ty quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, tăng vốn ồ ạt, chào bán trái phiếu khối lượng lớn. Theo ông, điều này sẽ có những rủi ro gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Vừa qua, xuất hiện một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, số vốn huy động cực kỳ lớn. Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp hiện tại khó khăn về vốn, nhu cầu vốn rất lớn để cho khoản đầu tư thời gian tới.

Nhảy vào cuộc chơi nghìn tỷ của đại gia: DN “chết”, trái chủ trắng tay - 2

TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng việc quan trọng của thị trường trái phiếu hiện nay là cho ra đời các công ty xếp hạng doanh nghiệp.

Nói về lãi suất, hiện nay những lô trái phiếu kỳ hạn dài lãi suất cao, đương nhiên đi kèm với nó cũng có rủi ro lớn. Tuy nhiên nếu họ phát hành thành công thì tức là nhà đầu tư chấp nhận. Nhà đầu tư khi tham gia “cuộc chơi” này cũng có những tính toán riêng của họ.

Trong bối cảnh những kênh đầu tư khác cũng bấp bênh, phập phù, kênh đầu tư an toàn như lãi suất tiết kiệm lại giảm thì họ chọn phương án mạo hiểm hơn đó là trái phiếu doanh nghiệp nhưng có lãi suất cao hơn.

Nếu tình hình kinh doanh tốt, doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, khi hoạt động sản xuất gặp khó khăn, thậm chí mất khả năng thanh toán, chủ phát hành không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro.

Có một điểm lưu ý, nếu cấp tín dụng, ngân hàng có thể dễ dàng giám sát dòng tiền vì giải ngân theo hợp đồng, theo tiến độ dự án. Song với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể nào biết được doanh nghiệp có sử dụng tiền để triển khai dự án như đã thông báo hay không.

Thực tế rất khó giám sát dòng tiền huy động qua kênh này có được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích hay không. Đây là rủi ro lớn nhất với nhà đầu tư.

Do vậy nếu không phân tích, đánh giá mà hấp tấp đầu tư chỉ vì lãi suất cao, các cá nhân/tổ chức có thể mất toàn bộ vốn.

Cách nhận diện rủi ro

Vậy theo ông nhà đầu tư khi tham gia thị trường này, cần lưu ý những gì để có thể tiếp cận được trái phiếu doanh nghiệp tốt?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên cũng như mọi kênh đầu tư khác, đầu tư trái phiếu luôn đi kèm rủi ro.

Hiện đầu tư trái phiếu vẫn còn bất cập khi hạn chế thông tin. Tôi cho rằng, việc quan trọng của thị trường này hiện nay là cho ra đời các công ty xếp hạng doanh nghiệp.

Nếu công ty này hoạt động hiệu quả, minh bạch thì sẽ giúp thị trường trái phiếu hấp thụ vốn hiệu quả hơn. Rất nhiều nhà đầu tư họ muốn tham gia nhưng lại không dám vì thiếu tin tưởng, lo ngại sự kém minh bạch. 

Vừa qua có những doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu tăng vốn ồ ạt. Cần làm rõ quá trình tăng vốn đó có thực chất không, có phải vốn thực không hay tăng ảo.

Nên thận trọng với những doanh nghiệp có dấu hiệu tăng vốn ảo. Với những doanh nghiệp này, sau một thời gian sẽ “lãnh đủ”, tài chính sẽ bất ổn.

Cần tìm hiểu thông tin tài chính, lịch sử hoạt động doanh nghiệp, cân đối dòng tiền... trước khi xuống tiền đầu tư.

Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu rõ mục đích phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để làm gì. Xem mục tiêu đó có tiềm năng không, rõ ràng không, khả thi không...

Trắng tay khi doanh nghiệp chết lâm sàng

Khi phát hành sử dụng vốn không hiệu quả, doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản, không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu, nhà đầu tư sẽ mất trắng, thưa ông?

Nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu đều tin rằng được ngân hàng bảo lãnh. Nhưng tôi đã kiểm tra kỹ nhiều hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và thấy rằng, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp rủi ro, nhà đầu tư sẽ mất trắng.

Dù nhiều ngân hàng có ghi là “bảo lãnh”, nhưng ngôn từ rất khôn khéo, đẩy trách nhiệm cho công ty chứng khoán trực thuộc. Nhà đầu tư đọc loáng thoáng tưởng ngân hàng và công ty chứng khoán bảo lãnh, song thực tế đây chỉ là bảo lãnh phát hành.

Nếu rủi ro xảy ra, tăng trưởng GDP giảm tốc, thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp “chết lâm sàng”, thì trái chủ sẽ mất trắng.

Khi doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, tài sản sẽ ưu tiên thực hiện trả các nghĩa vụ với nhà nước như nợ thuế, ưu tiên tiếp theo trả nợ ngân hàng, tiếp theo mới là chi trả các khoản trái phiếu, cuối cùng còn bao nhiêu thì tới cổ phiếu.

Xin cám ông về cuộc trò chuyện này!

Đại diện Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, trước sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổng hợp tình hình thị trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong quản lý giám sát thị trường.

Trước hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, Bộ đã cung cấp thông tin để NHNN phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán.

Trong thời gian tới, Bộ này khẳng định sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ, đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.