Nhận trách nhiệm điều hành giá xăng dầu: Đừng để người dân phải đợi!
(Dân trí) - Trong khi người dân chịu thiệt hại vì bất cập trong điều hành giá xăng dầu, đến nay hai Bộ Tài chính - Công Thương vẫn chưa bên nào chịu nhận trách nhiệm. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, khả năng Chính phủ sẽ phải đứng ra để phân xử, tuy nhiên trên hết, các bộ phải có tinh thần trách nhiệm với nhân dân.
Liên quan đến trách nhiệm các bên trong vấn đề xảy ra "lỗ hổng" thuế xăng dầu khi tính giá cơ sở xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hiện tại liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn đang có những công văn qua lại đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau.
Cụ thể, theo đại diện Bộ Tài chính thì trong điều hành giá xăng dầu "Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định". Tuy nhiên, ít nhất hai lần Bộ Công Thương đã phát hành công văn dẫn quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) về việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu.
Theo như Nghị định 83 quy định thì "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu" và "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)".
Bên lề phiên họp tổ tại Quốc hội sáng nay (24/3/2016), phóng viên Dân Trí đã phỏng vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Chính phủ sẽ phải đứng ra phân xử
Theo đánh giá của đại biểu - Luật sư Trương Trọng Nghĩa, trong quản lý nhà nước, có những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, nếu các bên không có sự phối hợp và phân công hợp lý thì sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, ách tắc, chờ đợi lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau.
Trong trường hợp giá xăng dầu, theo ông Nghĩa, nếu các bộ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm của mình thì sẽ không thể xảy ra ách tắc, sẽ không có sự trì trệ, chờ đợi và đổ lỗi qua lại cho nhau như hiện nay.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, không cần phải dẫn đến các quy định luật pháp, trước hết phải nói đến tinh thần trách nhiệm của các bộ điều hành. Theo đó, các bộ có thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân hay không?
"Chuyện giao cho một bộ chủ trì không làm giảm nhẹ trách nhiệm của bộ còn lại. Anh không chủ trì nhưng anh không thể cứ chờ đợi anh kia. Anh cũng là một bộ phụ trách, có quyền lực và chịu trách nhiệm với nhân dân trong lĩnh vực cùng phụ trách. Nếu bộ chủ trì không làm đúng trách nhiệm thì bộ kia phải nhắc nhở" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Vị đại biểu phân tích, các bộ và Chính phủ tuần nào, tháng nào cũng họp chưa kể đường dây nóng, điện thoại...có thể trao đổi lẫn nhau. Như vậy, nếu giao cho một bộ chủ trì thì bộ còn lại cũng phải có trách nhiệm trước nhân dân.
"Vị Bộ trưởng nào cũng phải hiểu rằng, mình chịu trách nhiệm trước Chính phủ nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, khi đã được phân công, vấn đề bị ách tắc thì phải biết kiến nghị, báo cáo lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng để giải quyết ngay vấn đề, để đảm bảo quyền lợi của nhân dân" - ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi các Bộ vẫn chưa thống nhất được vấn đề phân chia trách nhiệm thì Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách lĩnh vực này cần triệu tập các bộ ngồi lại họp bàn với nhau và tìm ra câu trả lời cho công luận. "Khi các bộ còn đang tranh cãi thì phải có Chính phủ, có Thủ tướng đứng ra phân xử, không nên để nhân dân phải chờ đợi", vị luật sư cho hay.
Phương án này cũng được đại biểu Trần Hoàng Ngân đề cập đến. Theo nhìn nhận của ông Ngân, việc ban hành chính sách hiện nay phải có cả sự đồng bộ và đồng thuận. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này phải nhanh chóng mời Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ngồi lại với nhau để có được một câu trả lời rõ ràng trong trách nhiệm điều hành giá xăng dầu hiện nay.
"Nhiều người nhận trách nhiệm nhưng không sửa đổi gì"
Cũng liên quan đến câu chuyện này, đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lại đưa ra một góc nhìn khác.
Ông Thụ cho rằng, để xảy ra lỗ hổng về thuế trong xây dựng giá cơ sở xăng dầu thời gian qua là lỗi của cơ chế chính sách. Do vậy, nếu chính sách sai thì rõ ràng cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách phải chịu trách nhiệm.
Bây giờ hai bộ đang không phân định được bên nào nhận trách nhiệm, theo ông Thụ, thì Chính phủ sẽ phải đứng ra giải quyết. Thế nhưng, ông Thụ cũng nhận xét rằng, "để cá thể hóa trách nhiệm thì rất khó vì để ban hành được một văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc phải chế độ tập thể, quy trình tương đối phức tạp".
"Cái quan trọng nhất tôi cho là vấn đề các bộ sửa sai như thế nào, chứ thời gian qua, tôi thấy có nhiều người vẫn nhận trách nhiệm nhưng hậu quả thì vẫn còn đó và cũng không thấy đổi mới để khắc phục hậu quả hoặc là đổi mới, khắc phục rất chậm" - vị đại biểu nhận định.
Theo ông, mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao khắc phục được những bất cập để công tác điều hành tốt hơn, minh bạch hơn, hài hòa lợi ích của các bên.
Ông Thụ ghi nhận, thái độ sửa sai của các Bộ là thái độ tích cực, đáng tuyên dương. "Nhưng tôi muốn tốt hơn nữa các bộ cũng phải tự rà soát lại, kiểm điểm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm, đừng để những sơ suất tương tự lại xuất hiện trong thời gian tới. Theo đó, mục tiêu giai đoạn tới là quản lý giá xăng dầu phải chặt chẽ, đừng để xảy ra những trục trặc, để những khoảng trống khiến các tổ chức, cá nhân thu lợi mà không dựa vào năng suất lao động, đóng góp đầu tư, sản xuất kinh doanh của chính họ" - ông Bùi Đức Thụ nêu quan điểm.
Bích Diệp