1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhận sáp nhập Southern Bank: Sacombank ôm nợ xấu để tăng tài sản?

(Dân trí) - So với Sacombank, xét về quy mô, Southern Bank có vốn điều lệ chưa bằng 1/3 (với 4.000 tỷ đồng) và tổng tài sản bằng phân nửa đối tác; chưa kể chất lượng hoạt động lại thua xa Sacombank gần như mọi mặt.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ocean Group bị truy thu hơn 7 tỷ đồng tiền thuế

Trước kịch bản Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có thể sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), bộ phận phân tích tại Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, thông tin này không hẳn ngạc nhiên vì các cổ đông lớn của hai ngân hàng này có quan hệ gia đình và nắm giữ 12% cổ phần Sacombank và 20% cổ phần của Southern Bank. 

Tuy nhiên, so với Sacombank, xét về quy mô, Southern Bank có vốn điều lệ chưa bằng 1/3 (với 4.000 tỷ đồng) và tổng tài sản bằng phân nửa đối tác; chưa kể chất lượng hoạt động lại thua xa Sacombank gần như mọi mặt. Hai ngân hàng trong "cuộc hôn nhân" này không khác nào một đôi đũa lệch.

Nhiều quan ngại cho rằng Sacombank sẽ thiệt nhiều hơn là được khi nhận sáp nhập Southern Bank.
Nhiều quan ngại cho rằng Sacombank sẽ thiệt nhiều hơn là được khi nhận sáp nhập Southern Bank.

Tất nhiên, Southern Bank không bị đưa vào danh sách ngân hàng yếu kém, song nếu đặt trong mối tương quan với Sacombank thì Southern Bank chỉ là một người tí hon đứng bên kẻ khổng lồ. Chỉ nhìn vào lợi nhuận, nếu như năm 2013, Sacombank gặt lãi 2.229,1 tỷ đồng thì Southern Bank chỉ ước đạt 23 tỷ đồng (theo tính toán của Bản Việt), như vậy, khoảng cách xấp xỉ 100 lần!. 

Hiện tại, Southern Bank vẫn chưa công bố chính thức về kết quả kinh doanh năm vừa rồi, tuy nhiên, trong 3 quý đầu tiên, ngân hàng có lãi trên 226 tỷ, điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu đúng như thông tin của Bản Việt đưa ra thì trong quý IV, Southern Bank bị lỗ trên 200 tỷ đồng và cuốn phăng mọi nỗ lực của 3 quý trước đó.

Cũng theo Bản Việt, tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của Southern Bank năm 2013 chỉ là 0,5% giảm từ 12,9% trong năm 2010 trong khi ROE bình quân trong nhiều năm liền của Sacombank đều ở mức khoảng 15%.

Theo nhận định của Bản Việt, thương vụ M&A này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng do việc kinh doanh của Southern Bank thời gian gần đây có diễn biến không tốt. 

Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của Southern Bank liên tục giảm, giảm dần từ 2,04% trong năm 2009 xuống 0,83% trong năm 2010, 0,35% trong năm 2011, thậm chí âm 0,59% trong năm 2012 (lỗ 285 tỷ đồng) và 0,51% trong 9 tháng đầu năm 2013. Do vậy, lợi nhuận ròng từ lãi (NII) tăng 87% trong năm 2009, sau đó cũng giảm 24% trong năm 2010 và giảm 46% trong năm 2011 rồi chuyến sang lỗ trong năm 2012. 

Nhìn chung khả năng sinh lời của Southern Bank đạt khá thấp và trong xu hướng đi lùi.

*Mức lãi Southern Bank năm 2013 là số liệu Bản Việt thu thập (đơn vị: Tỷ đồng).
*Mức lãi Southern Bank năm 2013 là số liệu Bản Việt thu thập (đơn vị: Tỷ đồng).

Tuy nhiên, con số tỷ lệ biên lãi ròng và lợi nhuận ròng từ lãi có thể không phản ánh đầy đủ tình hình, vì theo Bản Việt, một khoản lớn dưới hình thức các khoản phải thu, có thể được phân loại là “tín dụng”. Vì vậy, nợ xấu và chi phí dự phòng theo báo cáo có thể thấp hơn thực tế. 

Ví dụ, tín dụng của Southern Bank tăng 107% trong năm 2009 và 58% năm 2010, sau đó giảm xuống 13% năm 2011, 23% năm 2012 và âm 0,2% trong 9 tháng đầu năm 2013. Trong khi đó, các khoản phải thu tăng 332% trong năm 2011 và 32% trong năm 2012. 

Các khoản phải thu tổng cộng chiếm đến hơn 50% tín dụng của ngân hàng. Các khoản phải thu tăng đột biến có thể phản ánh việc tránh vượt trần tăng trưởng tín dụng trong năm 2011-2012. 

Dường như mọi chỉ tiêu của Southern Bank đều "lép vế" so với Sacombank, duy nợ xấu thì cao hơn. Mới 9 tháng đầu năm 2013, tỉ lệ nợ xấu của Southern Bank đã là 3,8% (thuộc diện bắt buộc phải bán nợ cho VAMC). Nếu quý IV, tình hình chất lượng nợ xấu hơn thì tỉ lệ này còn có thể cao hơn; trong khi đó, cả năm 2013, tỉ lệ nợ xấu tại Sacombank chỉ ở mức 1,45% tổng dư nợ tín dụng.

Mặc dù vậy, không phải là Sacombank không thu được gì. Nhìn chung, mọi thương vụ đều phải thiết lập trên cơ sở đôi bên có lợi. Theo đó, nếu thương vụ sáp nhập này thành công thìsẽ giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng hệ thống các chi nhánh từ 416 điểm giao dịch (lớn thứ 3 toàn ngành ngân hàng) lên 558 điểm giao dịch (so với con số 688 của BIDV và 391 của Vietcombank). 

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sacombank đã cho biết rằng, kế hoạch sau sáp nhập, Sacombank vẫn giữ nguyên thương hiệu và xóa thương hiệu Southern Bank.

Ngoài ra, điều này cũng giúp Sacombank gia tăng 46% tổng tài sản và cải thiện tính minh bạch trong việc giảm tình trạng sở hữu chéo và giao dịch của các bên có liên quan. Như Dân trí đã đưa tin, tính đến thời điểm 31/12/2013, gia đình ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch Sacombank) chiếm tỉ lệ sở hữu 6,78% vốn tại Sacombank và 20,81% vốn tại Southern Bank.

Trong dài hạn, cũng có thể Sacombank sẽ xử lý tốt vấn đề nợ xấu và tận dụng tốt việc hệ thống chi nhánh được mở rộng để cải thiện vị thế của mình trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. 

Mặc dù vậy, mọi quyết định sẽ vẫn thuộc về cổ đông. Đại hội đồng cổ đông của hai bên sẽ cân nhắc thiệt - hơn, và nếu như cổ đông không cảm thấy thỏa mãn, rất có thể như ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch Sacombank đã nói, không loại trừ trường hợp kế hoạch này sẽ không được thông qua.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước