Nhận lương hàng trăm triệu mỗi tháng, phi công Vietnam Airlines vẫn bỏ đi?
(Dân trí) - Mức lương bình quân thực tế của phi công Vietnam Airlines đạt 132,5 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, một số doanh nghiệp mới sẵn sàng bỏ ra khoản trả cao hơn để thu hút nguồn nhân lực của hãng, mà mức thu hút đến 30% nhân lực một đội bay.
Vấn đề nói trên được ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề cập tới tại chương trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, ngày 5/5.
Lương hàng trăm triệu vẫn… bỏ đi
Năm 2018, mức lương bình quân thực tế của phi công Vietnam Airlines đạt 132,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9% so với năm 2017. Mức lương bình quân thực tế hàng tháng của tiếp viên tại Vietnam Airlines là 28,9 triệu đồng/người, tăng 2,4% so với năm 2017. Cán bộ, nhân viên (trừ HĐQT và Ban Giám đốc) tại Vietnam Airlines nhận lương bình quân 28,8 triệu đồng/người/tháng trong năm 2018, cao hơn 19,4% so với năm 2017.
Trên thực tế, trong quá trình phát triển, không chỉ ngành hàng không trong nước mà sự bùng nổ của hàng không toàn cầu khiến vấn đề hạ tầng sân bay, nguồn nhân lực và kỹ sư hàng không thiếu hụt là câu chuyện của toàn cầu. Cạnh tranh giữa các quốc gia, doanh nghiệp về nguồn lực hữu hạn này.
“Trong xu hướng cạnh tranh này, con đường của Vietnam Airlines là phải có điều kiện nâng cao thu nhập của cán bộ nhân viên, chế độ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mức lương của phi công Vietnam Airlines hiện đã bằng khoảng 75% phi công nước ngoài. Nhưng, một số doanh nghiệp mới sẵn sàng bỏ ra khoản trả cao hơn để thu hút nguồn nhân lực của chúng tôi, mà mức thu hút đến 30% nhân lực một đội bay là bất hợp lí.” - ông Thành băn khoăn.
Vietnam Airlines hiện đang khai thác và vận hành trên 115 máy bay, lực lượng phi công 1.200 người, kỹ sư máy bay khoảng 2.500 người, tiếp viên hàng không 3.000 người. Riêng lực lượng phi công, số lượng phi công Việt Nam đang chiếm khoảng 75%, gấp gần 4 lần so với năm 2014 và mỗi năm phát triển thêm từ 80 -100 phi công cho khai thác.
“Cho đến nay, Vietnam Airlines là một trong số ít các hãng hàng không đầu tiên, có thể nói là duy nhất trên thế giới, đã đủ trình độ để vận hành, khai thác an toàn tuyệt đối và rất thành công cùng lúc 2 dòng máy bay hiện đại nhất của thế giới là Airbus A350 và Boeing 787, đặc biệt hơn nữa với nòng cốt chủ lực là người Việt Nam. Vietnam Airlines đã và đang hoàn toàn chủ động trong việc tự đào tạo, huấn luyện cho lực lượng phi công của hang.” - CEO Vietnam Airlines nói.
Vietnam Airlines đã tập trung lớn vào xây dựng cơ sơ đào tạo, bên cạnh trung tâm huấn luyện bay ở TPHCM còn thành lập thêm cơ sở huấn luyện phi công. Số lượng lao động kỹ thuật có chứng chỉ là 1.370 người, đáp ứng được công tác bảo dưỡng tàu bay của Vietnam Airlines, được các tổ chức EASA (châu Âu) và FAA (Mỹ) công nhận.
Ông Dương Trí Thành cho biết, đội ngũ kỹ sư này không chỉ làm bảo dưỡng đội bay của hãng mà còn nhận đơn hàng bảo dưỡng máy bay từ các hãng khác trong nước và khu vực. Tuy nhiên, hiện nay Vietnam Airlines đang bị “chảy máu chất xám” khi có các nhân tố mới gia nhập thị trường vận tải hàng không.
Cách nào “giữ chân” phi công?
CEO Vietnam Airlines kiến nghị cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp cần được triển khai quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 27 để mở nút thắt cơ chế, giúp doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội cho đào tạo, cũng như “giữ chân” nguồn lực chất lượng cao. Đồng thời, Chính phủ cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.
Liên quan đến Bộ Luật lao động, doanh nghiệp hàng không kiến nghị cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự phát triển bền vững nguồn lực chung của đất nước nhưng cũng phù hợp với đặc thù quản lý, yêu cầu phát triển của lực lượng lao động kỹ thuật cao, lao động chuyên ngành, như: Quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...
Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị về việc muốn tự quyết chính sách tiền lương để "giữ chân" phi công
Về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thống nhất ý kiến kiến nghị của VietnamAirlines và cho rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công cần có những quy định trong Bộ luật Lao động, các Nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực.
Trước kiến nghị của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, đang có tình trạng chảy máu chất xám ở một số doanh nghiệp lớn sau khi đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao (trong đó có tình trạng liên quan đến phi công) và đề nghị các bộ ngành nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó cần bài toán đào tạo lâu dài.
Châu Như Quỳnh