1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhận định của WB: “Mây đen toàn cầu, mặt trời vẫn tỏa nắng ở VN” được Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại

(Dân trí) - Nhận định của World Bank được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong một sự kiện cuối năm: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam” đang gây chú ý. Tuy vậy, để tăng trưởng bền vững, không thể bỏ qua sự cảnh giác với rủi ro của “những ngày xấu trời”.

Những con số kỷ lục trong năm 2019

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 30-31/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nền kinh tế Việt Nam như sau:

“Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế - xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam.

Nhận định của WB: “Mây đen toàn cầu, mặt trời vẫn tỏa nắng ở VN” được Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại - 1

Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ khẳng định “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” (ảnh: VGP)

Trước đó, ngày 17/12, World Bank công bố báo cáo Điểm lại về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trang 9, phần tóm lược tổng quan nêu: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

Chuyên gia của World Bank nhận xét, năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam.

Định chế này khẳng định, trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu”.

Theo World Bank, kết quả tăng trưởng vững vàng nêu trên có được là nhờ sự đóng góp của hai yếu tố chính: tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tuy nhiên, các dữ liệu của World Bank chủ yếu nhìn trong phạm vi 9 tháng đầu năm. Con số thực tế mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cách đây ít ngày còn cho thấy sự tươi sáng hơn của bức tranh kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, trong năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong khoảng 6,6-6,8% và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Đây cũng là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực đặt giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng.

Hồi tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu cảnh báo, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay có thể giảm xuống mức thấp trong 1 thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Với mức tăng trưởng nói trên, quy mô nền kinh tế đến thời điểm này đã đạt hơn 262 tỷ USD. Và theo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, “điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không đạt được”.

Quan trọng hơn là năm 2019, kinh tế Việt Nam đã cho thấy có những “nghịch lý” bị phá bỏ, chẳng hạn như việc phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô chưa hẳn đúng. Bằng chứng là, không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà chúng ta còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.

Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD  – những con số mà 10 năm trước không thể hình dung được.

Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD). Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh: Quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển”.

Cảnh giác với rủi ro của “những ngày xấu trời”

Mặc dù ca ngợi kỳ tích mà Việt Nam đạt được ở lĩnh vực kinh tế trong năm qua, song World Bank cũng đề cập đến rủi ro của “những ngày xấu trời” mà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cần cảnh giác.

Nhận định của WB: “Mây đen toàn cầu, mặt trời vẫn tỏa nắng ở VN” được Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại - 2

Bức tranh kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kỳ tích trong năm 2019 (ảnh mang tính minh hoạ: Bloomberg)

Theo World Bank, doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn.

Con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới đạt mức kỷ lục 138.000 trong năm qua song tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 cũng cao ở mức kỷ lục là 89.200 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam Jacques Morisset cũng lưu ý: “Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 10% trong năm 2019 là kết quả rất tốt, nhưng cần phải phân biệt giữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ và thị trường ngoài Mỹ”. 

Cụ thể, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 30% thì các thị trường khác chỉ tăng trưởng 3,6%. “Việt Nam đang tập trung quá mạnh và nhiều vào thị trường Mỹ, cho thấy sự chuyển hướng thương mại rõ ràng từ Trung Quốc sang Việt Nam”. Theo ông Jacques, đây là một rủi ro cho triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa hết, FDI vào các cơ sở kinh doanh mới tại Việt Nam cũng tăng trưởng chậm lại 30% so với 2 năm trước, kể cả đã tính đến trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán & sáp nhập (M&A).

Nhìn chung, World Bank cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không thể và không nên chủ quan với những rủi ro trong nước và bên ngoài.

Nhìn từ trong nước, nhịp độ cải cách có thể bị tác động bởi quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021. Chương trình cổ phần hóa/thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sau khi được khởi đầu đầy hứa hẹn vào năm 2017 đã chững lại đáng kể trong những tháng qua.

Rủi ro bất lợi từ các thị trường bất định trên toàn cầu có thể khiến cho tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục suy giảm. Sự quan tâm của các nhà đầu tư có thể bị chững lại khi nhiều dự án có thể bị hủy hoặc đình hoãn.

Những vấn đề này cũng đang được lãnh đạo Chính phủ lưu tâm. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 – cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. “Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”," Thủ tướng nêu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30/12. Đồng thời khẳng định, Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm