Nhà ở xã hội cho thuê sẽ điều tiết thị trường BĐS
(Dân trí) - Nhà ở xã hội cho thuê không chỉ góp phần giải quyết nạn thiếu nhà ở mà còn tham gia điều tiết thị trường bất động sản (BĐS). Bởi khi giá nhà quá cao, thị trường nhà cho thuê sẽ phát triển và ngược lại.
Theo TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, vấn đề nhà ở nói chung, nhà ở cho người thu nhập thấp nói riêng phải được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương và việc làm.
Thu nhập bình quân theo đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10 - 15 triệu đồng/năm, trong khi giá nhà ở trung bình thấp nhất hiện cũng khoảng 300 - 400 triệu đồng/căn với diện tích khoảng 50m2 (khoảng 6 - 8 triệu đồng/m2).
Như vậy, giá nhà ở tại Hà Nội gấp khoảng 25 - 30 lần thu nhập bình quân theo đầu người 1 năm. Có nghĩa, một người làm việc ở Hà Nội phải trong 25 - 30 năm với điều kiện không tiêu dùng mới đủ tiền mua một căn nhà. “Mức giá nhà như vậy, nếu xét trong tương quan với mức lương là rất cao so với thế giới” - ông Dương cho biết.
Tại hội thảo, KTS Ngô Huy Giao nhận định, nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết nạn thiếu nhà ở (đặc biệt cho người có thu nhập thấp) mà còn tham gia điều tiết giá nhà ở. Giá nhà quá cao, thị trường nhà cho thuê sẽ phát triển và ngược lại.
Điều này không bình thường hiện nay ở các đô thị lớn của Việt Nam là nhà ở cho thuê chỉ mạnh mẽ ở khu vực người nước ngoài vì lợi nhuận cao. Chủ nhà cho thuê thường là tư nhân, không có cơ chế chặt chẽ nên người thuê thường rất e ngại vì hợp đồng ngắn hạn, phải di chuyển luôn.
Trí thức trẻ sau tốt nghiệp có việc làm ổn định sau 5 - 7 năm vẫn sống trong nhà ở thuê cũng cho là điều không bình thường. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở, cần xây dựng nhà ở cho thuê với giá cả chấp nhận được với người lao động hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá thuê 1 năm nên vào khoảng 1/40 - 1/20 giá thành.
“Hình thành thị trường cho thuê là biện pháp cực kỳ quan trọng để bình ổn giá đất, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển nhà ở xã hội” - KTS Ngô Huy Giao nói.
Một số ý kiến đưa ra tại hội thảo cho rằng, cần thiết lập các kênh dẫn về vốn dài hạn cho thị trường BĐS nhà ở thông qua thị trường vốn và các định chế như: Quỹ nhà ở Quốc gia và Quỹ nhà ở thành phố, để hạn chế và chia sẻ rủi ro; các quỹ đầu tư và tín thác BĐS, Quỹ đầu tư phát triển thành phố, ngân hàng phát triển nhà… hướng vào nhiệm vụ giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.
“Quan điểm xây dựng căn hộ diện tích nhỏ sẽ tạo ra những “khu ổ chuột trên cao” không hoàn toàn đúng trong thực tế bởi “ổ chuột” hay không là do chất lượng thiết kế, xây dựng, vật liệu, quản lý chung cư, ý thức và sự tuân thủ quy định của người sử dụng căn hộ, chứ không phải do diện tích căn hộ quyết định” - ông Nguyễn Thanh Bình (Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) nêu quan điểm về quy định diện tích căn hộ tại hội thảo. |
Lan Hương