Nhà ở riêng lẻ - nguồn cơn của mọi "lỗi lầm" đô thị?

(Dân trí) - "Tại TPHCM thì mô hình nhà ở riêng lẻ là chủ yếu. Đây là mô hình nhà ở gây áp lực rất lớn về giao thông và cũng là mô hình khiến cho việc sử dụng đất chưa hiệu quả".

Lãnh đạo TPHCM, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng phân tích, “mổ xẻ” nhiều vấn đề về quy hoạch đô thị
Lãnh đạo TPHCM, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng phân tích, “mổ xẻ” nhiều vấn đề về quy hoạch đô thị

Đó là ý kiến của ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM) trong hội thảo Quy hoạch đô thị TPHCM với chủ đề “Thực tiễn – cơ hội đầu tư”.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo cho biết, hiện nay TPHCM đang thực hiện nhiều phương án để điều chỉnh không gian của thành phố vì mật độ đô thị đang quá đông đúc tại khu vực trung tâm và lan tỏa thưa dần ra khu vực ngoại thành.

Tại TPHCM thì mô hình nhà ở riêng lẻ là chủ yếu. Đây là mô hình nhà ở gây áp lực rất lớn về giao thông và cũng là mô hình khiến cho việc sử dụng đất chưa hiệu quả.

“Mô hình nhà ở riêng lẻ gây áp lực cho nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên toàn địa bàn thành phố cũng như các vấn đề khác mà thành phố đang phải đối mặt như ngập lụt, ô nhiễm môi trường”, ông Thảo nói.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hoá nhanh, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hoá nhanh, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức

Theo ông Thảo, TPHCM cần phải điều chỉnh phù hợp với định hướng chung của toàn “vùng thành phố” (gồm TPHCM và 7 tỉnh lân cận), điều chỉnh để ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thành phố.

Việc phát triển đô thị sẽ phải hài hòa giữa cái cũ và cái mới, bởi TPHCM “mang trên mình” nhiều phong cách đa dạng và nguồn dân cư đến từ nhiều nơi. Công tác phát triển đô thị cũng phải đồng đều giữa giao thông, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc thì TPHCM đang có những chủ trương, định hướng quan trọng như: xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Ngoài ra, TPHCM sẽ điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất và cấu trúc đô thị hiệu quả hơn bằng các công tác cụ thể như: tiếp tục chỉnh trang, cải tạo khu trung tâm hiện hữu, kết nối với khu đô thị Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, tăng cường năng lực giao thông nội bộ.

TPHCM đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nên việc quy hoạch đô thị “bài bản” và hợp lý sẽ càng thúc đẩy sự tăng trưởng của thành phố.
TPHCM đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nên việc quy hoạch đô thị “bài bản” và hợp lý sẽ càng thúc đẩy sự tăng trưởng của thành phố.

Ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị mới Marnela Vale (Pháp) cho rằng, giải pháp quy hoạch đô thị tại TPHCM không thể đến từ trí tuệ của một cá nhân hay đơn vị nào, mà phải là trí tuệ của tập thể. TPHCM sẽ gặp phải nhiều thách thức khi phải xây dựng một thành phố sinh thái để đối phó với biến đổi khí hậu.

Trên cương vị nhà đầu tư nước ngoài, ông Jimmy Chan, Tổng giám đốc một Công ty phát triển Bất động sản cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đồng hành cùng chính quyền thành phố trong việc quy hoạch phát triển đô thị. Muốn thành công trong quy hoạch thì cần sự chung tay của tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Doanh nghiệp của ông Jimmy Chan sẽ xây dựng những công trình hiện đại, công nghệ mới cho thành phố ở khu vực trung tâm.

“Chúng tôi sẽ mang những kinh nghiệm mà chúng tôi đã có khi thực hiện các dự án lớn tại Thượng Hải, Hồng Kông và Mỹ để áp dụng vào các dự án tại TPHCM”, ông Jimmy Chan nói.

Áp lực về giao thông, ngập nước đang là “bài toán” nan giải của TPHCM
Áp lực về giao thông, ngập nước đang là “bài toán” nan giải của TPHCM

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hoá nhanh, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch ở cả khâu xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

“Sắp tới thành phố sẽ tính toán để ít phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch, ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung”, ông Tuyến nói.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, hạ tầng phải phát triển trước và song song với công tác quy hoạch. Trong đó, công tác quy hoạch đô thị là thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Thông qua quy hoạch đô thị, tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện. Đó cũng là "kim chỉ nam" cho quá trình phát triển đô thị của thành phố. Chính vì những điều này mà quy hoạch đô thị luôn được lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm đặc biệt.

Đại Việt

Nhà ở riêng lẻ - nguồn cơn của mọi "lỗi lầm" đô thị? - 5