Làm giàu không khó:

Nhà nông "bắt" đất phèn "đẻ" tiền tỷ

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất phèn và đất phèn mặn khoảng 1,6 triệu ha, (chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên của khu vực). Nhờ cần cù, sáng tạo, thuần hóa đất phèn, hàng ngàn nông dân đã có cuộc sống và thu nhập ổn định trên vùng đất tưởng chừng đã phải bỏ hoang này.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, diện tích đất phèn của Hậu Giang chiếm khoảng 67.763ha, tập trung ở các địa phương như: Huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, TP.Vị Thanh… Những năm gần đây, để góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao nguồn thu nhập, nhiều nông dân tại Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ đó đã giúp cho không ít bà con từ hộ nghèo nay vươn lên khá giàu ngay trên vùng đất chua phèn của mình.

Ông Nguyễn Thu Hồ (xã Long Bình, thị xã Long Mỹ) có thu nhập khá từ mô hình trồng cam xoàn trên đất phèn. Ảnh: CHÚC LY
Ông Nguyễn Thu Hồ (xã Long Bình, thị xã Long Mỹ) có thu nhập khá từ mô hình trồng cam xoàn trên đất phèn. Ảnh: CHÚC LY

Ông Cao Văn Hoàng (ấp 2, xã Thuận Hòa, thị xã Long Mỹ), cho biết: “Hiện tôi đang trồng khoảng 200 gốc mãng cầu xiêm, mỗi năm ít gì cũng thu được  từ  80-100 triệu đồng, so với trồng lúa thì khỏe hơn rất nhiều”.

Mạnh dạn hơn ông Hoàng, lão nông Dương Thanh Bình (ấp 1, xã Vĩnh Viễn, thị xã Long Mỹ) chọn cho mình cây tiêu để trồng trên đất phèn. Ông Bình cho biết: “Trước mắt tui trồng 4000m2 tiêu dưới tán tràm, sau 2 năm bắt đầu thu hoạch, vụ đầu tiên tôi thu được trên 30 triệu đồng. Bước đầu thấy đây là mô hình cho hiệu quả cao, với giá tiêu khô trên thị trường khoảng 200.000 đồng/kg, mỗi nọc tiêu thu được từ 1,5-2 kg/vụ thì người trồng có thể thu được lãi cao”.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, với diện tích đất nhiễm phèn khoảng 73.000ha. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nhiều nông dân ở đây đang phát triển mô hình trồng cây có múi mang lại hiệu quả cao, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Tuân thủ khuyến cáo  về kỹ thuật

Theo các chuyên gia nhận định, nhờ vào các hệ thống kênh rạch tưới tiêu và rửa phèn ngăn lũ đã góp phần rất lớn cho việc chinh phục các vùng đất phèn. Bên cạnh đó, để khai thác có hiệu quả hơn nữa các vùng đất phèn thì cần thiết phải đầu tư thiết kế đồng ruộng và kỹ thuật làm đất hợp lý nhằm nâng cao hiệu suất canh tác.

Ông Võ Xuân Tân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, khuyến cáo: “Nếu nông dân canh tác cây trồng cạn cần lên líp cao, nhằm tránh được nước lũ dâng và xả phèn thuận lợi khi mùa mưa. Đối với canh tác lúa, việc tuyển chọn các giống lúa thích ứng trên đất phèn là rất cần thiết, các giống lúa thích hợp như nhóm giống OM”.

“Đặc biệt, khi canh tác trên đất phèn cần lưu ý hạn chế hoặc không sử dụng những loại phân bón có chứa chất gây chua như super lân, phân đạm có chứa gốc sunphat… Ngoài ra, cần bón phân cân đối đạm, lân, kali kết hợp với vi lượng để giúp cây trồng khỏe để chống chịu tốt” – thạc sĩ Nguyễn Đức Thanh Bình – Trưởng phòng Kỹ thuật và thông tin quảng bá, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư TP. Cần Thơ lưu ý.

Theo Chúc Ly
Dân Việt

Nhà nông "bắt" đất phèn "đẻ" tiền tỷ - 2