1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà nhập khẩu khó tìm nguồn ngoại tệ

Tuy USD trên thị trường tự do đã giảm “sốt” và hoạt động mua bán ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã được chấn chỉnh, song các nhà nhập khẩu vẫn rất khó tìm kiếm nguồn ngoại tệ.

Nhà nhập khẩu khó tìm nguồn ngoại tệ - 1
Doanh nghiệp phàn nàn khó tiếp cận nguồn ngoại tệ từ ngân hàng (ảnh: Hữu Nghị).
 
Bà Nguyễn Hoài Huyền Nga (Công ty TNHH Thái Việt) cho biết, tỷ giá VND hiện nay được Nhà nước giữ ổn định, song hầu hết các ngân hàng đều không bán ra ngoại tệ cho doanh nghiệp (DN) để thanh toán tiền hàng nhập khẩu.

Do đó, hiện tồn tại một nghịch lý là, DN phải tự mua USD ở thị trường tự do rồi đem bán cho ngân hàng, sau đó xin mua lại chính số tiền của mình. Kết quả là, các DN phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí, vì chênh lệch giá USD trên thị trường tự do và giá niêm yết tại NHTM rất lớn.

Đơn cử, ngày 23/3, mặc dù đồng USD trên thị trường tự do đã sụt giảm so với cuối tuần trước, nhưng vẫn đạt xấp xỉ 17.650 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá hối đoái niêm yết tại các NHTM chỉ là 17.489 VND/USD (cả mua và bán), cho dù đã chạm trần biên độ cho phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính yếu tố này đã tạo ra khó khăn lớn cho các nhà nhập khẩu, vì chi phí gia tăng.

Ong Nguyễn Thành Nhơn, Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM cho biết, tháng 4/2008, khi thị trường có biến động về tỷ giá hối đoái thì hầu hết các DN xuất, nhập khẩu đều không thể mua USD tại ngân hàng và nếu có cũng không mua được như giá ngân hàng niêm yết.

“Thời điểm đó, các ngân hàng niêm yết tỷ giá ở mức 16.900 VND/USD, nhưng để mua được ngoại tệ, có lúc DN phải trả với giá 19.500 VND/USD”, ông Nhơn nói và cho biết, tình trạng này đang lặp lại trên thị trường, khiến các nhà xuất, nhập khẩu lao đao, vì chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán đầu ra cũng như thị phần bị sụt giảm.

Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP, sở dĩ có tình trạng trên là do thời gian qua, khi diễn biến giá USD trên thị trường tự do tăng, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ của người dân cao hơn. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu lại không muốn bán ra USD ngay sau khi có nguồn thu, với kỳ vọng tỷ giá hối đoái sẽ còn tăng.

Do vậy, các ngân hàng khó mua được ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu, khiến nguồn cung nhiều khi khó đáp ứng đủ cầu. Có ý kiến cho rằng, để đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, Việt Nam cần phá giá VND để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, đồng thời là thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mặc dù phá giá đồng nội tệ sẽ khuyến khích xuất khẩu, nhưng cũng có mặt trái của nó.

Thậm chí, trong điều kiện khó khăn hiện nay, chưa hẳn xuất khẩu sẽ tăng khi phá giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi là điều cần thiết.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, dựa trên diễn biến thực tế của thị trường. Đối với việc sử dụng ngoại tệ, theo ông Giàu, Chính phủ khuyến khích tiêu dùng trong nước, giảm bớt nhập siêu, nhằm tạo cán cân thanh toán ổn định.

“Trong thời gian qua, cán cân thương mại của một số nước bị ảnh hưởng và phải nhờ đến IMF, nhưng cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định và cung ngoại tệ hiện không căng thẳng. Tuy nhiên, một hiện tượng đang tồn tại là DN găm giữ ngoại tệ, với kỳ vọng tỷ giá tăng”, Thống đốc NHNN nói và dự báo, lạm phát năm nay sẽ ở mức dưới 15%, thậm chí ở mức một con số.

Theo Vân Linh
Báo Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm