Hải Dương:

Nhà máy xử lý rác thải hơn 130 tỷ đồng: 4 năm 3 đời chủ vẫn không hiệu quả

(Dân trí) - Sau 4 năm đi vào vận hành, dự án tái chế rác thải thành phân hữu cơ có sử dụng vốn vay Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của chính phủ Tây Ban Nha đã lần lượt đổi 3 chủ mà vẫn không hiệu quả. Trong khi đó, đơn vị mới tiếp nhận đối mặt với vấn đề từ kinh phí duy trì hoạt động và đưa thành phẩm ra ngoài thị trường

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hải Dương, dự án Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt có vốn đầu tư là 130 tỷ đồng. Trong đó, hơn 78 tỷ đồng là nguồn ngân sách địa phương, còn lại là vốn vay ODA của chính phủ Tây Ban Nha có lãi suất và trả nợ.


Việc đầu tư các nhà máy xử lý hoặc tái chế rác thải đang là yêu cầu lớn thế nhưng lựa chọn vốn đầu tư, công nghệ và việc đưa sản phẩm ra thị trường đang là khâu yếu nhất của chủ trương này.

Việc đầu tư các nhà máy xử lý hoặc tái chế rác thải đang là yêu cầu lớn thế nhưng lựa chọn vốn đầu tư, công nghệ và việc đưa sản phẩm ra thị trường đang là khâu yếu nhất của chủ trương này.

Nhà máy tái chế rác thải thành phân hữu cơ sử dụng vốn ODA được xây dựng trên diện tích 5,3 ha, trong tổng diện tích 15,3 ha toàn bộ dự án (xử lý rác thải và tái chế rác thải thành phân hữu cơ). Cuối năm 2012, Nhà máy trên được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương xây dựng và đi vào vận hành. Tuy nhiên, không bao lâu sau công ty này đã chuyển nhà máy này cho Công ty CP Môi trường APT – Seraphin Hải Dương tiếp quản và vận hành.

Sau khi tiếp nhận, APT – Seraphin Hải Dương đã sử dụng dây chuyền máy móc, thiết bị hiện có vào vận hành nhà máy phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt. APT – Seraphin Hải Dương cũng đã trả nợ gốc và lãi vay phần vốn ODA vay được 4 kỳ với tổng số tiền là hơn 3,27 tỷ đồng.

Đáng nói là khi tiếp nhận, để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị mới chưa kể sửa chữa, thay thế các thiết bị, linh kiện của dây chuyền theo công nghệ của Tây Ban Nha bị hư hại do không phù hợp với thời tiết Việt Nam, APT – Seraphin Hải Dương phải lên kế hoạch đầu tư thêm 79 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, do sản phẩm phân hữu cơ không tiêu thụ được nên dây chuyền sản xuất phân vi sinh phải tạm dừng hoạt động, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt được chuyển sang Nhà máy xử lý rác thải Seraphin để đốt.

Không thể duy trì hoạt động, đầu tháng 1/2015, APT-Seraphin Hải Dương đã có tờ trình với UBND tỉnh xin trả lại dự án trên. Lý do được đưa ra là không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư.

Sáu tháng sau, một lần nữa, số phận của Nhà máy tái chế rác thành phân hữu cơ lại được tỉnh Hải Dương chuyển sang ông chủ mới, lần này là Công ty CP Môi trương Bắc Việt. Tuy nhiên, sau 9 tháng "nghiên cứu" Công ty Bắc Việt có công văn xin thôi không tiếp nhận nhà máy trên mà không đưa ra lý do.

Cuối cùng, sau thời gian ngưng trệ, tháng 7/2016, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục giao Nhà máy trên cho Công ty Cổ phần Quản lý Công trình đô thị Hải Dương tiếp nhận nguyên trạng phần diện tích hơn 15,3 ha gồm nhà máy tái chế rác, diện tích đất chôn lấp và phần vốn vay. Đồng thời, Công ty này có nghĩa vụ trả nợ vốn ODA cho phía Tây Ban Nha đúng như cam kết.

Chủ trương đầu tư Nhà máy xử lý rác thải kết hợp mô hình tái chế thành phân hữu cơ đã được nhiều nước tiên tiếp áp dụng và thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều mô hình nhà máy hay dự án thất bại hoặc chết yểu do không có đầu ra sản phẩm, dây chuyền lạc hậu, chi phí vốn lớn và đặc biệt là thị trường phân hữu cơ nhỏ, manh mún.

Việc Nhà máy tái chế rác thải sử dụng công nghệ của Tây Ban Nha và vốn vay ODA tại Hải Dương sau 4 năm chuyển 3 đời chủ và phát sinh thâm hụt vốn lớn của tỉnh Hải Dương, của Nhà đầu tư cũng như kém hiệu quả cho xã hội đang là bài học cho sử dụng vốn ODA. Đồng thời, vấn đề này đặt ra yêu cầu phải đồng bộ hóa dây chuyền phân loại rác thải ngay từ trong dân (rác vô cơ riêng và rác hữu cơ riêng) mới mong giảm được chi phí và vận hành hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu thị trường tạo đầu ra để sản phẩm trên thị trường cạnh tranh và sống được với các sản phẩm phân vô cơ khác.

Nguyễn Tuyền