Nhà máy giấy của Lee&Man: Vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường

(Dân trí) - Hiện tại báo cáo đánh giá tác động môi trường cho nhà máy giấy công suất 420.000 tấn/năm tại Hậu Giang vẫn đang được xây dựng và sẽ sớm trình các Bộ ngành phê duyệt trong thời gian tới.

Nhà máy giấy của Lee&Man: Vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường - 1

Phát biểu tại họp báo diễn ra chiều ngày 1/11, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc điều hành Công ty sản xuất giấy Lee&Man Việt Nam cho hay, từ năm 2007, doanh nghiệp này quan tâm đến việc sản xuất giấy tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các dự án sản xuất bột giấy và giấy bao bì tại Hậu Giang.

Từ năm 2014, Lee&Man đã khởi công nhà máy sản xuất giấy bao bì công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy này đang được hoàn tất việc lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị và sẵn sàng chạy thử và đi vào sản xuất. Còn nhà máy bột giấy từng bị Bộ Công Thương đề xuất dừng triển khai, Lee&Man cho biết với lý do hiện tại thị trường có thay đổi, cung đã có dấu hiệu vượt cầu nên tạm thời chưa xem xét đầu tư.

Trước những lo ngại về tác động xấu đến môi trường của dự án, đại diện Lee&Man cho rằng những thông tin này “chưa đầy đủ, chưa xác thực, được chia sẻ từ nhiều nguồn đã gây ra những quan ngại, lo lắng không đáng có cho công chúng, ảnh hưởng đến uy tín của cả công ty và các cơ quan hữu quan của Việt Nam”.

Ông Pattrick Chung cho biết, Lee&Man ủng hộ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển” của Chính phủ Việt Nam và khẳng định “hệ thống xử lý nước thải và bảo vệ môi trường của Lee&Man xây dựng tại nhà máy Hậu Giang là hệ thống hiện đại bậc nhất của ngành công nghiệp giấy trên thế giới” và “an toàn tuyệt đối cho môi trường”.

Tuy nhiên, khi được hỏi Lee&Man đầu tư bao nhiêu tiền cho hệ thống xử lý nước thải trong tổng số 280 triệu USD đã "rót" vào dự án tại Hậu Giang, đại diện công ty này đã không tiết lộ. Ông Pattrick Chung chỉ khẳng định "nếu cần thì sẵn sàng đầu tư thêm".

Đối với báo cáo tác động môi trường (DTM) cho dự án nhà máy giấy, ông Pattrick Chung cho hay, báo cáo DTM năm 2008 được lập cho cả nhà máy giấy và nhà máy bột giấy hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo đề nghị của cơ quan chính quyền sẽ tách DTM ra làm 2 với hiện tại tập trung vào nhà máy sản xuất giấy để dễ dàng kiểm tra. Hiện tại báo cáo DTM cho nhà máy giấy này đang được xây dựng và sẽ sớm trình các Bộ ngành phê duyệt trong thời gian tới.

"Chỉ khi nào báo cáo được phê duyệt thì nhà máy mới đi vào hoạt động. Khi nào được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền thì nhà máy cũng mới đi vào chạy thử", ông Chung nói.

Ông Chung cũng giải thích thêm: "Báo cáo DTM xây dựng từ năm 2008, hệ thống xử lý nước thải có công suất 50.000m3 cho cả 3 dây chuyền máy. Hiện chúng tôi mới xây dựng giai đoạn 1 năng lực sản xuất 420.000 tấn/năm nên chỉ xây dựng hệ thống xử lý nước thải có công suất 20.000m3. Chia ra mỗi ngày sản xuất khoảng 2.000 tấn/ngày giấy, và chỉ cần sử dụng 10-11m3 nước để sản xuât ra 1 tấn giấy, nên 1 ngày nhiều nhất chỉ xả ra 12.000m3 nước, tính tổng cộng tất cả vào khoảng 14.000m3 nên hoàn toàn xử lý được".

Về quy trình xử lý nước thải, dù khẳng định nhiều lần về an toàn của nước thải ra môi trường nhưng đại diện Lee&Man vẫn không trả lời cụ thể về lượng xút sử dụng trong quá trình sản xuất giấy, cũng như tỷ lệ nước thải được tái sử dụng trong quá trình sản xuất là bao nhiêu.

"Trong quá trình sản xuất giấy sẽ không có xút thải ra sông Hậu và chúng tôi dùng vô cùng ít xút trong quá trình sản xuất, phần xút vô cùng nhỏ này dùng để trung hoà axit trong nước. Nếu có xút thải ra trong quá trình giữa của sản xuất thì chúng tôi đã quay vòng khi sản xuất rồi", vị này nói thêm.

Theo câu trả lời của đại diện Lee&Man tại buổi họp báo hôm nay cho thấy trong quá trình sản xuất giấy, nhà máy này có sử dụng xút dù "vô cùng ít". Ông cũng nói thêm rằng: "Chúng tôi không phải công ty duy nhất dùng xút trong ngành công nghiệp giấy và tất cả công ty giấy đều hiểu không thể thải xút ra ngoài".

Đáng lưu ý, trong một buổi họp báo hồi tháng 6, tổng giám đốc Lee&Man Việt Nam là ông Chung Wai Fu lại cam kết nhà máy giấy này sẽ “không sử dụng chất xút (NaOH) gây ô nhiễm môi trường”.

Tại thời điểm đó, khi được hỏi nếu không sử dụng chất xút thì chất thay thế là gì; tính chất của chất đó ra sao; liều lượng sử dụng như thế nào? Ông Chung Wai Fu không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói: “Do chúng tôi chưa sử dụng thiết bị nên chưa tính toán được sử dụng bao nhiêu hóa chất ở đây, hóa chất sẽ ảnh hưởng môi trường thế nào. Ở Việt Nam không chỉ có Lee & Man sản xuất giấy, mà còn có nhiều nhà máy khác... nên họ sử dụng chất gì thì chúng tôi sử dụng chất ấy”.

Phương Dung