Nhà mạng đang “sập bẫy” 3G?

(Dân trí) - Hơn 9 tháng triển khai cuộc "cách mạng” 3G, tổng số thuê bao mà cả 3 mạng di động lớn nhất Việt Nam có được mới là 7 triệu - bằng một nửa so với số liệu mà các mạng này tự công bố trước đó.

Tại buổi họp với các mạng di động vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã công bố số lượng thuê bao 3G sau đợt điều tra, thống kê ban đầu. Cụ thể, Viettel đạt 1,5 triệu thuê bao 3G, mạng triển khai 3G đầu tiên là Vinaphone cũng chỉ có 1,5 triệu thuê bao 3G còn Mobifone đạt số thuê bao 3G nhiều nhất là 4 triệu.
 
Như vậy, sau 9 tháng hoạt động (Vinaphone khai cuộc 3G từ 12/10/2009) hiện cả 3 mạng di động lớn nhất mới chỉ có được 7 triệu thuê bao 3G - bằng một nửa so với con số thống kê mà các mạng này tự đưa ra trước đó là 14 triệu.
 
Thậm chí, theo tính toán của giới chuyên gia viễn thông, nếu tính theo kiểu các thuê bao phải đạt mức cước nhất định (chẳng hạn 20.000 - 30.000 đồng/tháng) liên tục trong các tháng thì chắc chắn số thuê bao 3G của Việt Nam thấp hơn nhiều so với con số 7 triệu.
 
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT), những số liệu này đã phản ánh khá chính xác bức tranh phát triển 3G tại Việt Nam hiện nay.
 
Nhà mạng đang “sập bẫy” 3G? - 1
Thị trường 3G ngày càng bộc lộ nhiều khó khăn. (Ảnh: TT)
 
Tại những lần họp trước đó với các mạng di động, ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đã đưa ra cảnh báo về hiện trạng 3G tại nước ta. 
 
Hiện khách hàng Việt Nam mới chủ yếu sử dụng 3G để truy cập Internet, trong khi đó các dịch vụ gia tăng - nguồn thu lớn của 3G - hầu như chưa được khai thác hiệu quả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên băng tần 3G đã bị lãng phí rất lớn.
 
Thực tế khá rõ ràng, đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có tới 4 mạng di động vào cuộc đua 3G (Vinaphone, Mobifone, Viettel và EVN Telecom) nhưng phần nội dung dịch vụ mà các mạng này cung cấp không có gì khác biệt nhau, vẫn là Mobile Internet, Video Call, Mobile Camera, Mobile TV...
 
Nguyên nhân về sự nghèo nàn nội dung đã được chuyên gia chỉ rõ: Do thỏa thuận chia tỷ lệ quá thấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số nên các mạng di động đành chấp nhận cảnh nghèo nàn về dịch vụ. Trong khi đó, nếu một dịch vụ đột biến, phù hợp với xã hội được tạo ra sẽ hút được lượng khách hàng lớn bất ngờ.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, trên thế giới hiện nay chủ yếu là download music còn video call cũng không nhiều người dùng, kể cả Internet. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ di động và nhà mạng cung cấp 3G phải tìm ra dịch vụ đáp ứng được văn hoá chứ không chỉ lấy của “tây” áp cho “ta”.
 
Trước khi bước vào cuộc đua 3G, các nhà mạng đều đã nhìn thấy trước, đường đua này không trải hoa hồng. Lãnh đạo Viettel cũng từng lo lắng, nếu không cẩn thận, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thế “sập bẫy” đến khuynh gia, bại sản. Dù vậy, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các “tay đua” đầu tư phát triển 3G.
 
Các mạng tính toán, khoảng 5 năm sau họ có thể thu hồi vốn nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nếu cứ phát triển với tốc độ như hiện nay, đó là cái đích khó chạm.
 
Phạm Thanh