1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chuyên gia:

Nhà đầu tư mua trái phiếu trong ngân hàng giống như mua đồ siêu thị

Nguyễn Văn Hải

(Dân trí) - Theo chuyên gia, không ít người mua trái phiếu ở ngân hàng, công ty chứng khoán là họ coi như đi mua hàng trong siêu thị vì không phải lo hàng gian, hàng giả như ở chợ trời.

Câu chuyện của luật sư về việc ngân hàng tư vấn mua trái phiếu

Ngày 30/11, tại hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin và giải pháp" do tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức tại TPHCM, một số câu chuyện nóng bỏng về trái phiếu được đưa ra.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - mở đầu phần chia sẻ của mình bằng câu chuyện một ông lão mua nhiều trái phiếu để lấy lãi cao, nhưng cứ tưởng mình đang gửi ngân hàng.

Cụ thể, ông Hưng cho biết, ông lão này dùng tất cả tiền tiết kiệm cả đời để gửi vào ngân hàng. Đến cuối hạn gửi, ông được nhân viên tư vấn giới thiệu cho ông một gói lãi suất cao 10%/năm. Ông lão nhẩm tính, nếu gửi 1 tỷ đồng theo kênh này thì mỗi năm không làm gì cũng được lãi 100 triệu đồng, cao hơn kênh cũ tận 40 triệu đồng nên dồn hết tiền vào mua trái phiếu như được tư vấn. 

Khi nghe thông tin các doanh nghiệp mình mua trái phiếu bị cấm giao dịch đầu tư, ông lão mới tá hỏa đi hỏi luật sư. Luật sư hỏi khi mua những trái phiếu này họ có đảm bảo gì không thì ông lão mới nói "không có đảm bảo", mua vì niềm tin với ngân hàng. 

Luật sư trả lời rằng với những trái phiếu mua mà không có bảo đảm thì luật sư không tư vấn được gì, chỉ chờ có kết quả của công an giải quyết mới tư vấn tiếp được. Khi được luật sư hỏi về tài sản đảm bảo là gì, tài sản đảm bảo có đăng ký bảo đảm không, ai chứng minh... thì câu trả lời từ người mua trái phiếu là không rõ. 

Nhà đầu tư mua trái phiếu trong ngân hàng giống như mua đồ siêu thị - 1

Có người mua nhiều trái phiếu để lấy lãi cao, nhưng tưởng mình đang gửi ngân hàng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Luật sư Hưng cho biết, các công ty phát hành trái phiếu có thể là công ty con trong một hệ sinh thái nào đó. Các công ty này có thể đang hoạt động hoặc không hoạt động. Khi họ thuyết minh về dự án sẽ phát hành thì rất hay nhưng người mua nếu không tỉnh táo, không được tư vấn kỹ bởi chuyên gia thì lại có thể vướng rủi ro.

Luật đang dần hạn chế rủi ro, thị trường trái phiếu sẽ tốt lên 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, nhiều người mua trái phiếu dựa vào niềm tin. Khi mua trái phiếu ở ngân hàng hay công ty chứng khoán, người dân cũng coi như là đi mua hàng trong siêu thị, họ không lo hàng gian hàng giả như mua ở chợ trời. 

Tuy nhiên, ông Hiển cho biết, số lượng nhà đầu tư cá nhân (đa số là chuyên nghiệp) mua trái phiếu sơ cấp chỉ có 10%. Do vậy nếu thị trường này gặp khó thì cũng không tác động nhiều đến người dân. Nhưng sau đó, các tổ chức tài chính tư vấn phát hành mới tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên mua lại (thứ cấp) khiến tỷ lệ tăng mạnh lên 30%; và bây giờ bắt đầu xảy ra những bức xúc, bất ổn từ những trái chủ nghiệp dư này, bởi vì họ cứ nghĩ đó là một sản phẩm của ngân hàng hoặc liên kết với ngân hàng có độ an toàn như tiền gửi.

Nhà đầu tư mua trái phiếu trong ngân hàng giống như mua đồ siêu thị - 2

Theo các chuyên gia, để tham gia thị trường trái phiếu thì nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị các kiến thức (Ảnh: BTC).

Theo ông Hiển, việc chuẩn bị để hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần thời gian và công sức như đã chuẩn bị cho thị trường cổ phiếu. Thực tế, nhóm đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các định chế tài chính như quỹ mở. Các quỹ đầu tư mở quản lý 44.000 tỷ USD trong đó có 45% là trái phiếu. Trong khi đó, ở Việt Nam, các quỹ mở mua trái phiếu doanh nghiệp là không đáng kể vì họ chỉ mua trái phiếu của những công ty niêm yết có độ an toàn cao.

Để thị trường chứng khoán, cổ phiếu phát triển, Việt Nam mất 5 năm từ 1996 đến 2000 để chuẩn bị. Do đó, thị trường trái phiếu cũng cần một thời gian tương xứng và các nhà đầu tư cá nhân cũng cần được học các khóa đầu tư trái phiếu như đã học khóa đầu tư cổ phiếu.

Theo lời chuyên gia này, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều mặt chứ không chỉ là hành lang pháp lý. Thị trường trái phiếu cần rất nhiều tổ chức giải pháp, trong đó đào tạo cho nhà đầu tư, các tổ chức công ty tư vấn đánh giá, sàn giao dịch…

Hành lang pháp lý trước đây đã tính đến vấn đề rủi ro, bởi vì chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức mua và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tài khoản phải có ít nhất 2 tỷ đồng. "Đã là tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không bao giờ họ mua lầm. Họ dám mua dám chịu, lời ăn lỗ chịu là chuyện bình thường", ông nói.

Với nghị định sửa đổi thì trái phiếu cũng cần phải được giao dịch trên sàn chứng khoán giống như cổ phiếu. Điều này cũng như sản phẩm đã vào siêu thị cần là hàng hóa tốt. Theo ông, hiện tại, dưới góc độ quản lý Nhà nước thì việc này đang dần được hoàn thiện và hạn chế rủi ro.