Nhà đầu tư "khóc thét" khi sàn chứng khoán tắc nghẽn vì tiền quá nhiều

Mai Chi

(Dân trí) - Dòng tiền kỷ lục hơn 32.000 tỷ đồng tiếp tục dội vào TTCK, gây tắc nghẽn trên HSX. Hầu hết nhà đầu tư bức xúc, không tránh khỏi đưa ra quyết định sai lầm và bị thiệt hại đáng kể.

Gặp áp lực chốt lời trong phiên giao dịch sáng 2/6, VN-Index điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khiến những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu lo ngại. Theo đó, rủi ro của thị trường, theo nhìn nhận của giới quan sát cũng như phần lớn "người chơi", chính là tình trạng "tắc" "nghẽn" của hệ thống sàn giao dịch HSX.

Không phải chờ đến khi giá trị giao dịch trên HSX đạt 13.000 tỷ đồng hay 15.000 tỷ đồng mà ngay từ đầu phiên sáng, tình trạng tắc nghẽn đã diễn ra. Đồ thị VN-Index "giật cục" và rất khó quan sát khối lượng dư mua, dư bán với cổ phiếu.

Việc giao dịch trong bối cảnh này khiến hầu hết nhà đầu tư đều rất bức xúc và không tránh khỏi đưa ra quyết định sai lầm, bị thiệt hại đáng kể.

"Do tình trạng đơ, nghẽn diễn ra nên tôi đã quyết định bán ra một số cổ phiếu trong danh mục bằng lệnh thị trường (MP) trong phiên hôm qua. Đến sáng nay thì tôi nhận ra mình đã bị mất hàng vì cổ phiếu đó vẫn tiếp tục tăng giá mạnh" - anh Nguyễn Văn Hưng, một nhà đầu tư ở Hà Nội, cho biết.

Nhà đầu tư khóc thét khi sàn chứng khoán tắc nghẽn vì tiền quá nhiều - 1

Bức tranh thị trường trong phiên 2/6 (Ảnh chụp màn hình).

Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể khi giao dịch "tù mù". Trên các diễn đàn, nhóm chat, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất mãn, không hài lòng với năng lực xử lý của hệ thống sàn HSX.

Trong phiên hôm qua, HSX chỉ giao dịch nửa ngày do sự cố nghẽn lệnh. Ông Lê Hải Trà - CEO HSX - cho biết Sở đang tiến hành phẫu thuật "thay tim" và FPT đang điều chỉnh core đang sử dụng trên hệ thống Sở HNX để áp dụng cho của HSX.

Ông Trà khẳng định, đây là phương án tối ưu đã được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận vì mọi thay đổi diễn ra chủ yếu tại HSX, hạn chế tối đa tác động đến hệ thống của 73 công ty chứng khoán thành viên.

Hiện nay, theo kế hoạch triển khai, HSX đã bước sang giai đoạn thử nghiệm toàn thị trường. Nếu không có gì thay đổi, hệ thống mới với năng lực xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày sẽ được đưa vào vận hàng vào đầu tháng 7/2021.

Như vậy, nhà đầu tư vẫn sẽ phải tiếp tục "chịu đựng" tình trạng giao dịch "tắc nghẽn" nếu xảy ra trên HSX ít nhất trong tháng 6 này.

Trong nỗ lực nhằm góp phần "thông đường" cho HSX, một số công ty chứng khoán như VPS, SSI đã tạm dừng tính năng hủy/sửa lệnh đối với cổ phiếu sàn HSX. Lệnh MP (mua/bán tức thì) cũng không thể áp dụng.

Một số nhà đầu tư cho biết, mặc dù thông cảm với quyết định của phía công ty chứng khoán, song việc bị "giam vốn" trong khoảng thời gian nói trên khiến nhà đầu tư có thể không mua/bán được cổ phiếu hoặc không đủ tài chính để tiếp tục mua cổ phiếu trong khi lệnh đặt trước đó không khớp được.

Đến hết phiên sáng nay, giá trị giao dịch trên HSX đạt 17.974,96 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 567,02 triệu cổ phiếu. HNX có 113,67 triệu cổ phiếu tương ứng 2.663,61 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 76,56 triệu cổ phiếu tương ứng 1.376,74 tỷ đồng.

VN-Index mất 2,78 điểm tương ứng 0,21% còn 1.335 điểm. HNX-Index giảm 0,95 điểm tương ứng 0,3% còn 317,51 điểm. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm tương ứng 0,06% còn 88,81 điểm.

Phân nửa cổ phiếu trong rổ VN30 giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến hành động của nhà đầu tư. Cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời mạnh song sau đó, các mã này lấy lại được cân bằng, lực cầu dồn dập giúp một số mã hồi phục.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3 điểm tương ứng 0,22% lên 1.340,78 điểm; HXN-Index tăng 3,58 điểm tương ứng 1,13% lên 322,05 điểm và UPCoM-Index tăng 0,52 điểm tương ứng 0,58% lên 89,39 điểm.

Thanh khoản tiếp tục thiết lập kỷ lục mới. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 32.391,55 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền giải ngân trên HSX là 26.142,96 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 805,24 triệu cổ phiếu; HNX có 177,49 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 4.312,82 tỷ đồng và UPCoM có 109,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.935,77 tỷ đồng.