TPHCM:
Nhà đầu tư “chê” hạ tầng Thủ Thiêm kém, giá đất cao
(Dân trí) - Sau 17 năm xây dựng, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có 9 dự án đầu tư được duyệt. Theo các nhà đầu tư, hạ tầng kém và giá thuê đất quá cao là 2 trở ngại khiến các doanh nghiệp không “mặn mà” lắm với khu đô thị này.
Quan tâm nhiều, đầu tư ít
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐT Thủ thiêm) tại khu vực bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Từ đó đến cuối năm 2012, thành phố đã chi gần 16.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 700 ha diện tích KĐT này. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng xây dựng đại lộ Đông Tây, hơn 1.000 tỷ đồng cho cầu Thủ Thiêm, hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án nhà tái định cư, trả lãi vay đầu tư…
Thế nhưng, trái ngược với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng mà ngân sách đã bỏ ra để đầu tư là khung cảnh hoang vắng thê lương trải dài khắp vùng bưng biền này. Ngoại trừ đường Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây cũ) chạy xuyên tâm KĐT thì cả vùng đất này chỉ toàn là lau sậy, dừa nước và cỏ hoang… Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước “thèm thuồn” ngắm nghía KĐT này, nhưng họ đến rồi lại đi…
Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Khu Đô thị mới Thủ Thiêm năm 2013” vừa diễn ra ở TPHCM ngày 7/5, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý KĐT Thủ Thiêm cho biết là rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu KĐT Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 9 dự án được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó chỉ có vài dự án thuộc trách nhiệm của UBND TP như đường xuyên tâm (Mai Chí Thọ), khu tái định cư, trường học… là đã triển khai.
Còn các dự án khác do các doanh nghiệp đầu tư thì chỉ mới có dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm là đã làm lễ khởi công từ năm 2008. Nhưng thành phố đành rút giấy phép đầu tư dự án này vì chủ đầu tư “im hơi bặt tiếng” hàng mấy năm trời sau lễ khởi công. Một dự án hiếm hoi khác mới khởi công là khu nhà ở thấp tầng, thương mại dịch vụ tổng hợp và 4 tuyến đường chính do liên danh Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – Công ty cổ phần Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Nhưng tất cả mới chỉ ở giai đoạn khởi động…
Nhiều dự án hoành tráng khác như khu phức hợp tháp quan sát, khu thương mại dịch vụ tổng hợp dọc đại lộ Đông Tây, khách sạn cao cấp phía Đông, bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế… chỉ mới đang ở giai đoạn nhà đầu tư nghiên cứu, UBND TP xem xét chủ trương…
Cần hoàn thiện hạ tầng, giảm giá đất
Tại hội nghị này, TP kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 4 dự án lớn tại KĐT Thủ Thiêm. Cụ thể là dự án thành phần Khu trung tâm thương mại - tài chính - ngân hàng quốc tế rộng khoảng 93 ha; Khu chức năng số 3, 4 rộng 84 ha; Công viên phần mềm Thủ Thiêm rộng 15,9 ha; Khu trung tâm thể thao giải trí đa năng rộng 39 ha. |
Do hạ tầng kém, việc vận chuyển vật liệu, thiết bị vào đây để thi công quá khó khăn và tốn kém, thường doanh nghiệp phải tự xây dựng đường công vụ để phục vụ riêng cho công trình của mình. Ông Võ Sỹ Nhân kiến nghị: “Cần sớm xây dựng các tuyến đường xuyên tâm, đường vòng cung để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai dự án”. Theo ông, đó cũng sẽ là lợi thế để Thủ Thiêm kêu gọi các nhà đầu tư mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng đồng tình: “Hạ tầng thiếu là một trở ngại đối với KĐT Thủ Thiêm”. Ông lấy ví dụ thành công của KĐT Phú Mỹ Hưng, họ nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư là vị họ đã xây dựng đường Nguyễn Văn Linh và các trục ngang rất nhanh chóng để tạo cơ sở hạ tầng cho KĐT.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tham dự hội nghị cho giá đất quá cao cũng là trở ngại rất lớn khiến nhà đầu tư e dè trước cơ hội đầu tư vào đây. Hiện suất đầu tư vào KĐT Thủ Thiêm lên đến 2.700 USD/m2. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Giá đất quá cao nên vẫn chưa thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư”.
Theo ông Châu thì hiện hạ tầng Thủ Thiêm chưa có gì mà định giá thuê đất quá cao sẽ khiến nhà đầu tư nản lòng. Ông kiến nghị nên chia thành nhiều giai đoạn, ưu đãi chính sách cho các nhà đầu tư tiên phong. Theo ông thì giai đoạn đầu nhà nước có thể cho thuê đất với giá thấp, thậm chí là chấp nhận lỗ để kêu gọi đầu tư. Khi có hạ tầng cơ bản thì tăng giá thuê đất lên mức huề vốn. Khi hạ tầng hoàn thiện rồi thì nâng giá thuê đất cao lên để bù vào chi phí đầu tư.
Tùng Nguyên