Nhà đầu tư BOT như "con thiêu thân" vì đầu tư bất chấp rủi ro
(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội tại Tọa đàm về "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam" vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo lý giải của ông Nhã, hiện có 3 rủi ro của các nhà đầu tư tư nhân tại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong đó chủ yếu là phương thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT) là: điều chỉnh quy hoạch, giá cung cấp dịch vụ hạ tầng và quy hoạch không sát thực tế.
Chính phủ, Quốc hội kỳ vọng tạo ra môi trường pháp lý cho PPP, trong đó chủ yếu là BOT tốt hơn để cho nhà đầu tư tư nhân trong hiện tại và tương lai không như các "con thiêu thân" như 10 năm qua. Họ đầu tư và bất chấp mọi rủi ro có thể có.
Rủi ro thứ nhất là liên quan đến điều chỉnh quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng chúng ta có chiến lược nhưng chưa tốt.
Lấy ví dụ, nếu tập trung thực hiện cao tốc Bắc Nam nhưng 3 - 4 năm nữa, khi dự án cải tạo, sửa chữa quốc lộ 1 đi vào sử dụng. Nhà đầu tư công trình này sẽ lấy gì để hoàn vốn.
Phó Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội nói: "Để BOT được tư nhân đầu tư, nhất là về kết cấu hạ tầng, quy hoạch phải đảm bảo công khai, doanh nghiệp mới lường trước được những rủi ro để tính toán".
Ông này phân tích: Chính vì rủi ro chính sách nên, nhiều khi chúng ta cứ hỏi nhà đầu tư nước ngoài sao không vào BOT đường bộ. Câu trả lời là họ nhìn vào cách quy hoạch nên không dám vào.
"Quy hoạch đôi khi không đi vào cuộc sống sẽ tạo sự rủi ro lớn", ông Nhã nói.
Rủi ro thứ 2 theo ông Nhã là giá cung cấp dịch vụ hàng tầng, hiện xã hội vẫn coi khoản phí đường bộ. Tuy nhiên xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi giá đường bộ tốt hơn.
"Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội. Đầu tư thì quan trọng phải hoàn vốn, nếu không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn, ai sẽ dám đầu tư, trong khi lãi vay trả thôi đã khó rồi", ông Nhã cho hay.
Rủi ro thứ ba, Phó Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội cho rằng, quy hoạch chiến lược phát triển của Việt Nam hiện không đi vào cuộc sống hoặc đổ vỡ vì nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau. Theo đó, các dự án đi trước như kết cấu hạ tầng (đường sá, sân bay,...) sẽ gặp rủi ro và bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm doanh thu.
Ông Nhã cho hay: Nhà nước cần minh bạch nhiều vấn đề từ tính toán xác định giá dịch vụ hạ tầng, làm được điều này là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại.
"Cần tính toán sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, phục vụ cho xây dựng, trong đó có xây dựng đầu tư hạ tầng. Hiện, định mức kinh tế, kỹ thuật của Việt Nam vẫn áp dụng cách tính từ cuối năm 90. Chúng ta đang trong nền kinh tế thị trường, nhưng căn cứ xác định mức chi phí hợp lý lại ở mức cơ chế kế hoạch tập trung hơn là gắn với thị trường", ông Nhã nói.
An Linh