Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone “chất”, Thế giới Di động “thâu tóm” Trần Anh

(Dân trí) - Đây là những thông tin “nóng hổi” và được bàn tán nhiều nhất những ngày gần đây trong đời sống kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chao đảo trước tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt, việc công ty Quốc Cường Gia Lai “dọa” kiện chính quyền cũng đang gây chú ý.

Giá Bphone thế hệ mới mà ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu thiết kế bởi Bkav, sản xuất tại Việt Nam có giá gần 10 triệu đồng.
Giá Bphone thế hệ mới mà ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu "thiết kế bởi Bkav, sản xuất tại Việt Nam" có giá gần 10 triệu đồng.

Bphone 2017 chốt giá gần 10 triệu đồng

Bkav ra mắt Bphone 2017, đây có lẽ là sự kiện gây chú ý nhất đầu tuần này không chỉ giới công nghệ mà còn với cả người tiêu dùng điện thoại trong nước nói chung.

Bphone thế hệ đầu tiên trình làng vào 2015 mặc dù không thành công nhưng đã tạo dấu ấn cho Bkav trên chặng đường khẳng định vị thế của sản phẩm “made in Vietnam” trên thị trường smartphone đầy khắc nghiệt và đào thải cực nhanh chóng.

CEO của Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng cũng đã phải thừa nhận rằng “chưa lường hết được khó khăn”.

Nhấn mạnh Bphone thế hệ mới được “thiết kế bởi Bkav và sản xuất tại Việt Nam”, ông Quảng rất tự tin khẳng định “không có sản phẩm nào trên thị trường có sự trau chuốt và tỉ mỉ như BPhone 2017”, đúng phong cách “Chất” của ngày ra mắt.

Chiếc smartphone này được trang bị công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS) và công nghệ AI Camera mà theo Bkav là đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, Bphone 2017 còn có tính năng kháng nước, kháng bụi, điểm hiệu năng vượt trội so với các mẫu smartphone cao cấp khác như iPhone 7 Plus hay Samsung Galaxy S8.

Theo công bố của Bkav, BPhone 2017 có giá bán 9.789.000 đồng, đã bao gồm VAT.

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đang muốn đổ bộ chiếm lĩnh thị trường miền Bắc.
Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đang muốn "đổ bộ" chiếm lĩnh thị trường miền Bắc.

Thế Giới Di Động thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh

Trong một buổi họp báo diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ - mã CK: MWG) cho biết sắp tới, doanh nghiệp sẽ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua việc tăng ngân sách thực hiện M&A (mua bán sáp nhập) trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó. Ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm.

Sau đó, trên thị trường bắt đầu có tin đồn về một thương vụ M&A sẽ diễn ra giữa Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh và TGDĐ. Và mới đây, một tờ báo uy tín cho biết, nguồn tin từ TGDĐ xác nhận thương vụ này đã hoàn tất, theo đó, TGDĐ đã hoàn tất việc mua lại chuỗi điện máy của Trần Anh.

Trần Anh hiện đang sở hữu hệ thống bán lẻ có quy mô lớn ở khu vực này, sở hữu 39 trung tâm kinh doanh điện máy ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình... Trong khi đó, số lượng hệ thống bán lẻ của TGDĐ lại đang có sự chênh lệch khá lớn ở hai miền Bắc và Nam. Tính riêng ở hai thành phố lớn, TGDĐ có đến 208 siêu thị ở miền Nam trong khi Hà Nội chỉ có 153 siêu thị. Đối với các tỉnh nằm trong khu vực miền Nam, số lượng siêu thị cũng vượt trội hơn đáng kể so với các tỉnh ở phía Bắc.

Tiến độ bàn giao đất sạch chậm chạp khiến Quốc Cường Gia Lai đang rơi vào thế bí.
Tiến độ bàn giao đất sạch chậm chạp khiến Quốc Cường Gia Lai đang rơi vào thế bí.

Quốc Cường Gia Lai “dọa” kiện chính quyền

Trong một vài tháng trở lại đây, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai diễn biến khả quan, chủ yếu nhờ thông tin đã thanh toán được các khoản nợ “khủng” đến hạn thông qua việc chuyển nhượng dự án tâm huyết Phước Kiển và nhận về khoản đặt cọc 500 triệu USD.

Sau 10 năm “mặc cạn”, đã sắp đến hạn bàn giao mặt bằng (10/2017) song dự án này vẫn chưa có quỹ đất sạch đến bán cho đối tác như cam kết. Rơi vào thế bí, Chủ tịch HĐQT công ty này là bà Nguyễn Thị Như Loan tuyên bố sẽ nhờ luật sư tư vấn để kiện chính quyền huyện Nhà Bè vì quản lý đất công lỏng lẻo.

Trong trường hợp đến tháng 10 mà vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, Quốc Cường Gia Lai có nguy cơ phải mất 100 triệu USD cho đối tác. Và nếu không có tiền trả thì công ty này sẽ phải dùng chính dự án Phước Kiển gán nợ.

Kết thúc nửa đầu năm 2017, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận mức lãi ròng 215 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho biết do bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng và đã chuyển nhượng một phần vốn góp của CTCP Hiệp Phú và Công ty TNHH Sparkle Value Homes.

Ông Trần Bắc Hà lần thứ hai dính tin đồn bị bắt.
Ông Trần Bắc Hà lần thứ hai "dính" tin đồn bị bắt.

Ông Trần Bắc Hà lại “dính” tin đồn, chứng khoán chìm sâu

Ngày 9/8 là một phiên giao dịch đáng nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau những nỗ lực tăng điểm đưa VN-Index lên đỉnh 9 năm, trong phiên này, với tin đồn liên quan đến ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV, không những cổ phiếu BID bị bán tháo và giảm kịch sàn mà VN-Index cũng “bay” gần 18 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu 2016 cho tới nay.

Điều đáng nói là mặc dù tại thời điểm chốt phiên, BID không hề có dư mua trong khi dư bán sàn còn tới 142 nghìn đơn vị nhưng tổng khớp lệnh ở mã này vẫn mạnh, đạt xấp xỉ 9,7 triệu cổ phiếu, chứng tỏ có một bộ phận nhà đầu tư đã tranh thủ “ôm” vào cổ phiếu này trong dịp giá giảm sâu.

BIDV hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay với quy mô vốn hóa gần 75.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc BID “đổ đèo” khiến thị trường bị tác động mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán bị chao đảo bởi tin đồn. Ngay bản thân ông Trần Bắc Hà cũng đã vướng vào tin đồn bị bắt bớ cách đây 5 năm. Lúc đó, ông Hà đã từng nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để truy tìm thủ phạm tung tin đồn thất thiệt. Sau đó, 3 đối tượng tung tin đồn đã bị phát hiện. Đây đều là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán. Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng tuy không có mục đích phá hoại nhưng có động cơ vụ lợi về kinh tế.

Chiều 9/8, trên báo chí, thông tin bắt giữ ông Trần Bắc Hà đã được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát bác bỏ.

Bích Diệp (tổng hợp)