1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguy cơ phá trần lãi suất ngắn hạn

Với doanh nghiệp không có khả năng phát triển, dù có 10 giải pháp nữa đi cũng vô nghĩa, chỉ nên “xóa cờ” đánh lại, thanh lý tài sản rồi làm lại từ đầu.

Thưa ông, mặc dù tuyên bố giảm lãi cho vay cũ nhưng ngân hàng (ngân hàng) rất khắt khe xét duyệt hồ sơ. Vậy theo ông, liều thuốc này tác động như thế nào đến doanh nghiệp (DN)?

 

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: Đến nay, mỗi ngân hàng làm một cách khác nhau trong việc hạ lãi suất  khoản vay cũ. Có ngân hàng hạ đồng loạt theo kiểu giảm tất tần tật các khoản cho vay cũ về dưới 15% cho mọi đối tượng, cụ thể đó là ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho từng đối tượng được xem xét cụ thể thì chủ yếu là các ngân hàng cổ phần, không phải cứ nhóm được ưu tiên là họ giảm lãi.
 
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.

 

Giảm lãi là biện pháp hỗ trợ mạnh nhất

 

Vậy tại sao lại có sự khác biệt này giữa các ngân hàng?

 

Với các ngân hàng quốc doanh, họ không mấy lo ngại về việc giảm lãi suất sẽ giảm lợi nhuận, bởi họ có những khoản tiền gửi giá rẻ như tiền kho bạc, tiền bảo hiểm, nguồn vốn giải ngân ODA… Đặc biệt, họ có nhiều khách hàng lớn có tài khoản tiền gửi thanh toán với lãi suất thấp.

 

Trái lại, các ngân hàng cổ phần huy động với chi phí vốn cao hơn nhiều so với trần huy động nói chung. Trong khi đó, khách hàng của họ chủ yếu là DN vừa và nhỏ, có tiền gửi thanh toán rất thấp.

 

Đó là chưa kể các ngân hàng cổ phần lại đứng trước sức ép phải cạnh tranh với các ngân hàng quốc doanh nên họ phải có chính sách để lôi kéo, giữ khách hàng cũ. Vì vậy, họ cần áp dụng chiến lược giảm lãi suất cũ có lựa chọn. Đã có một số ngân hàng giảm lãi xuống không phải là 15% mà 13%, 14% cho DN tốt để cạnh tranh với ngân hàng khác.

 

Việc giảm lãi sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, vậy theo ông con số ấy sẽ là bao nhiêu?

 

Cho đến giờ chủ trương giảm lãi cũng mới chỉ bắt đầu nên các ngân hàng cổ phần chưa ước lượng được sự sụt giảm thu nhập của họ. Phải mất khoảng vài ba tháng sau họ mới có thể lập được kế hoạch tài chính tương đối chính xác trên nền tảng lãi suất đã giảm.

 

Vậy theo ông, chủ trương giảm lãi khoản vay cũ này của Ngân hàng Nhà nước có tác động nhiều đến DN hay không?

 

Có thể nói DN được giảm lãi suất thì có lợi, họ sẽ giảm được chi phí vay vốn so với trước đây. Với DN tốt, có khả năng tồn tại phát triển thì giảm lãi này là biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ phía các ngân hàng. Sơ bộ tính toán vào thời điểm hiện tại, DN có được vài ba phần trăm lợi nhuận đã là rất quý rồi. Lãi suất từ 17% đến 18% được điều chỉnh xuống dưới 15% sẽ làm cho nhiều DN giảm được lỗ hoặc bắt đầu có lãi từ nay đến cuối năm. Trong tất cả giải pháp tài chính tiền tệ gần đây hỗ trợ DN, đây là giải pháp mạnh mẽ, sâu rộng đối với DN phát triển. Với DN không có khả năng phát triển, dù có 10 giải pháp nữa đi cũng vô nghĩa, chỉ nên “xóa cờ” đánh lại, thanh lý tài sản rồi làm lại từ đầu.

 

“Cạnh tranh huy động vốn sẽ khốc liệt”

 

Với lãi suất cho vay như Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi và như tính toán của ông, DN cần thì làm như thế nào để sớm hồi phục?

 

Khó khăn hiện tại của DN chủ yếu là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, đồng thời tìm kiếm được nguồn vốn để có thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Hai yếu tố đầu vào và đầu ra này lại phụ thuộc vào nhau. Sản xuất mở rộng thì làm tăng tổng cầu và ngược lại tổng cầu tăng cũng kích thích sản xuất mở rộng. Điều quan trọng nhất là DN tiếp cận được vốn của ngân hàng. Vấn đề này đang bị cánh cửa sắt nợ xấu đóng sầm trước mặt DN. Đây là vấn đề DN và ngân hàng không tự giải quyết được mà phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.

 

Vậy theo ông, từ giờ đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất?

 

Theo tôi, bài toán chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ hiện nay tương đối cân bằng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố lãi suất cho vay 15% sẽ được duy trì khoảng một năm. Tất nhiên, điều này không làm DN phấn khởi hoàn toàn vì tâm lý DN vẫn luôn kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm xuống thấp hơn. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh về huy động vốn giữa các ngân hàng thương mại sẽ trở nên khốc liệt. Đặc biệt với ngân hàng cổ phần và ngân hàng nhỏ, họ rất khó huy động tiền gửi dài hạn trên 12 tháng với mức lãi suất thấp, khả năng phá rào trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sẽ rất lớn và có thể diễn ra trên diện rộng.

 

Chạy đua về lãi suất lại tái diễn? Điều này có đáng sợ không?

 

Không đáng lo ngại. Trên thực tế Ngân hàng Nhà nước đã tự do hóa lãi suất tiền gửi và cho vay dài hạn. Có thể đây là cơ hội để bước tiếp bước cuối cùng về mặt chính sách tự do hóa lãi suất. Chúng ta đã có những bài học rất đáng buồn về tình trạng hành chính hóa các công cụ trong 4-5 năm qua và nếu tiếp tục kéo dài lãi suất bằng các công cụ hành chính thì ngân hàng càng gặp khó khăn hơn. Và tệ hại hơn, đó là những rủi ro đạo đức: Việc phá rào trần lãi suất cho vay, cộng với vô vàn tiêu cực khác khiến uy tín của ngành ngân hàng trong mấy năm qua giảm sút nghiêm trọng. Rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng có thể coi là thất bại lớn của việc áp dụng các công cụ hành chính. Chúng ta cần phải đoạn tuyệt với phương thức quản lý đó càng sớm càng tốt.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Chính phủ cũng cần có giải pháp để khôi phục dần thị trường bất động sản. Thị trường này như là một nền tảng của nền kinh tế nói chung và khu vực tài chính nói riêng. Trên thực tế, thị trường này liên quan mật thiết đến thị trường tín dụng và hoạt động sản xuất. Đó là nguồn tài sản được vốn hóa của các DN thông qua tín dụng ngân hàng như mua bán, thế chấp, cầm cố… Bởi vậy, phục hồi thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Việc này phải được tiến hành một cách bài bản, tập trung vào những phân khúc thị trường hiện đang có nhu cầu rất lớn như nhà ở giá rẻ, văn phòng cho thuê giá rẻ và cơ sở hạ tầng. - TS Lê Xuân Nghĩa

 

Theo Yên Trang

Pháp Luật TPHCM