1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vay vốn ngân hàng 15%/năm: "Phía trước là... rừng mơ!"

(Dân trí) - Một số ngân hàng vừa công bố hạ lãi suất cho vay về mức 15%/năm, trước thời điểm Thống đốc NHNN yêu cầu 3 ngày. Tuy nhiên, theo phản hồi từ một số doanh nghiệp, để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ vẫn chỉ là “giấc mơ”.

Ngân hàng đưa lãi các khoản vay cũ về mức 15%/năm.
Ngân hàng đưa lãi các khoản vay cũ về mức 15%/năm.

Nhanh tay công bố giảm lãi trước giờ “G”

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, một số ngân hàng như Vietinbank, Agribank, SHB… đã tiên phong công bố đưa các khoản vay cũ về mức 15%/năm.

Chiều ngày 11/7, Agribank công bố sẽ áp dụng lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm kể từ ngày 15/7 tới. Ngân hàng sẽ căn cứ vào nhu cầu vay vốn, uy tín khả năng trả nợ để áp dụng có mức lãi suất cho vay phù hợp, với mức tối đa 15%/năm. Còn bốn nhóm tín dụng thuộc diện ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa thì áp dụng mức trần lãi suất cho vay 13%/năm.

Agribank hiện có tổng dư nợ khoảng 420.000 tỷ đồng, trong đó các khoản dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm khá lớn với tỷ trọng trên 50%. Với việc áp mức lãi suất tối đa 15%/năm, dự kiến doanh thu lãi vay của ngân hàng này sẽ giảm tới khoảng 4.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, sau các đợt chủ động giảm lãi suất, doanh thu lãi tiền vay cũng đã giảm hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo công bố từ VietinBank, ngân hàng này cũng đồng thuận hạ lãi suất cho vay dưới 15%/năm từ 15/7. Ngoài ra, Vietinbank “sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với lãi suất 12%/năm, thậm chí 11%/năm”, Chủ tịch HĐQT Phạm Huy Hùng nói.

Tham gia vào công bố giảm lãi suất trước giờ “G”, ở khối ngân hàng thương mại hiện mới chỉ có Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Đại diện ngân hàng này cho hay, trong quá trình xét điều chỉnh, mức 15%/năm sẽ là tối đa, còn theo xếp hạng tín dụng nội bộ sẽ có những khoản được giảm dưới 15%/năm. Từ tháng 4/2012, SHB đã thực hiện giảm lãi suất cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng (kể cả những khoản chưa đến hạn điều chỉnh), nguồn thu từ tín dụng theo đó giảm 15,53 tỷ đồng/tháng. Còn nay, lượng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 35% trong khoảng 33.000 tỷ đồng tổng dư nợ.

Vay vốn “trong mơ”

Việc ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là “việc vui” đối với khối doanh nghiệp. Nhưng theo chia sẻ của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh hàng tồn kho tăng cao, thiếu tài sản (bất động sản) để thế chấp là điều xa vời, là điều “trong mơ”.

Anh Nguyễn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đức Nguyễn chia sẻ: “Để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng hiện nay rất khó, nói gì đến mức 15%/năm như họ công bố. Trong thời buổi làm ăn khó khăn, tài sản có được do kinh doanh tích lũy trước kia cũng đã được chúng tôi mang đi bán để lấy tiền xoay sở, nên việc ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp là bất động sản đã không đáp ứng yêu cầu làm hồ sơ vay vốn.

Cũng chia sẻ thêm một thông tin để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại là, một số ngân hàng công bố giảm lãi vay xuống 13 - 15%/năm, nhưng lại cộng thêm 1 - 2% phí quản lý tài sản. Thế nên, tính đi tính lại, lãi vẫn cực cao đối với doanh nghiệp”.

Anh Đức cho biết thêm, việc ngân hàng giảm lãi được giới doanh nghiệp như anh đùa nhau là “giảm cho vui”, vì “ăn uống vỉa hè còn giảm, nói gì đến doanh nghiệp. Ông nào chả chết, hàng tồn kho ứ đọng, hàng tháng doanh nghiệp méo mặt đi vay lãi ngân hàng để trả lương cho công nhân nên yêu cầu mang tài sản (bất động sản) ra thế chấp là đòi hỏi cực khó”, anh Đức nói.

Khi được hỏi về việc vay vốn ngân hàng, đại diện Công ty CP Thời trang LEWIS cho rằng, để vay được vốn ngân hàng và với mức “giá rẻ” như công bố thì chỉ có doanh nghiệp có mối quan hệ với ngân hàng mới tiếp cận được vốn. “Tôi không dám đi vay ngân hàng, chỉ làm trên vốn tự có thôi. Một số ngân hàng tôi tiếp cận vốn cho thấy mức lãi vay vẫn trên 18%/năm, chưa kể các khoản phụ phí. Với mức lãi này, làm ăn trong thời buổi ế ẩm, sau khi trả lương cho nhân viên rồi trả lãi cho ngân hàng chắc chết. Thế nên, tôi xác định luôn là tạm thời làm trên vốn tự có, nghĩa là đi vay gia đình cho nhẹ đầu, còn lãi suất ngân hàng phải dưới 12% thì mới làm ăn được”.

Bình luận về lãi suất ngân hàng, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có nỗ lực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ như liên tục giảm lãi suất huy động nhưng chậm hạn chế lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn trong quá khứ với những mức lãi suất cao khác nhau cho họ không thể ngay lập tức giảm lãi suất cho vay mà phải tính toán một mức lãi suất thích hợp để đủ trang trải lãi suất huy động đã cam kết trong quá khứ.

“Các doanh nghiệp cũng gánh chịu các khoản tín dụng được vay trong quá khứ với lãi suất rất cao, mãi gần đây Ngân hàng Nhà nước mới kiến nghị giảm mức lãi suất cho vay của các khoản tín dụng cũ. Đó là lý do tại sao các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay chậm hơn là lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước quy định”, ông Doanh nhìn nhận.

Lý giải về việc “ngân hàng chọn mặt gửi vàng”, giảm lãi suất nhưng chưa “nới điều kiện vay vốn”, ông Lê Đăng Doanh cho tằng, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, họ cũng phải kinh doanh có lãi, họ có tiêu chí lựa chọn để cho vay. Do đó, doanh nghiệp phải có phương án giải quyết nợ tồn đọng, có phương án kinh doanh thuyết phục được ngân hàng thì mới tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Không có hy vọng có mức lãi suất thấp đồng đều như nhau cho tất cả các doanh nghiệp.

Không ít ngân hàng hiện nay có thanh khoản dồi dào có nhu cầu cho vay và họ đã cho vay một số doanh nghiệp lớn có thành tích tốt, tức là luôn trả nợ đúng hạn và làm tròn nghĩa vụ thuế với nhà nước. Một số doanh nghiệp khác có hàng tồn kho có nợ xấu, gặp khó khăn trong tiêu thụ nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Nguyễn Hiền