1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguy cơ mất "top 10" hấp dẫn đầu tư vì nhân lực

(Dân trí) - Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam lọt vào nhóm 10 nước có nền kinh tế hấp dẫn nhất về đầu tư trong giai đoạn 2007 - 2009, tuy nhiên, vấn đề phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa tương xứng với vị thế đó.

Xảy ra “giằng co” lao động giữa các ngân hàng

Trong báo cáo "Đánh giá năng lực doanh nghiệp Việt Nam 2007 nhìn từ góc độ lao động" do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Theo kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp năm 2006, cả nước có 45,6 triệu lao động (tăng 1,03% so với năm 2005), trong đó lao động trong độ tuổi lao động chiếm 94,2%, lao động nhóm tuổi từ 15 - 34 chiếm 45,46%. Một trong những bất cập nhất là cấu trúc lao động, cơ cấu lực lượng lao động đã qua đào tạo.

Cụ thể trong ngành dệt may, tuy có lợi thế về nguồn lực lao động, giá cả hợp lý nhưng ngành này đang thiếu nhiều lao động có trình độ cao và có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, hơn nữa năng suất lao động còn thấp hơn so với các nước cạnh tranh.

Nhân lực ngành xây dựng đạt con số trên 2,1 triệu người (năm 2005), chiếm gần 5% tổng số lao động của toàn xã hội nhưng mức độ cơ giới hoá trong ngành chưa mạnh, trang bị công cụ lao động cho công nhân chưa được chú ý đúng mức ảnh hưởng tới năng suất lao động và tai nạn lao động dễ xảy ra.

Trong lĩnh vực du lịch, hiện tại đang có sự mất cân đối khá rõ trong phân bổ nguồn nhân lực du lịch: lao động du lịch ở miền Nam chiếm 50%, miền Bắc là 40% và còn lại 10% là lao động tại miền Trung, mặc dù miền Trung là nơi tập trung nhiều di sản văn hoá thế giới của cả nước, có khả năng thu hút và hấp dẫn du khách thập phương.

Trong ngành ngân hàng, do sự gia tăng đột biến của quy mô các ngân hàng đang hoạt động và việc ra đời một loạt ngân hàng mới đã dẫn đến tình trạng “lôi kéo”, “giằng co” cán bộ giữa các ngân hàng để thu hút nhân tài, đặc biệt là các vị trí cán bộ chủ chốt.

Thực trạng này là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng quản trị và điều hành của tổ chức tín dụng.

Dự báo về lao động trong các doanh nghiệp FDI

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khả năng hấp thụ thấp vốn FDI đó là hiện trạng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Trong khi vốn FDI và dòng vốn đầu tư trong nước tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất, kinh doanh bất động sản và các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, du lịch... thì vốn đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục lại rất hạn chế .

Nhu cầu về lượng lao động cao nhất nằm ở các doanh nghiệp FDI ngành dệt may. Các doanh nghiệp FDI ngành sản xuất thực phẩm cũng cần nhiều lao động nhưng tốc độ tăng của cầu về lượng lao động trong khu vực này sẽ giảm dần và bão hòa trong những năm tới.

Có vẻ như ngành xây dựng và du lịch không thu hút được nhiều vốn FDI và vì thế nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp FDI ngành xây dựng và du lịch không cao (so với khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh) và có xu hướng giảm trong những năm tới.

Nếu như lao động làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất chế biến không cần khắt khe về trình độ học vấn và tay nghề thì trong các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng, yêu cầu về trình độ là một trong những điểm tiên quyết.

Cũng chính vì vậy nhu cầu về lao động chất lượng cao sẽ tăng lên nhiều và nhanh ở các doanh nghiệp FDI trong ngành dịch vụ và nhất là ngành dịch vụ ngân hàng.

Với lĩnh vực bảo hiểm, có lẽ khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI ngành dịch vụ tài chính ngân hàng (vốn hấp dẫn hơn về mặt thu nhập) là nguyên nhân khiến lượng việc làm tạo ra trong các doanh nghiệp FDI bảo hiểm thấp đi.

Nhìn chung lao động làm việc trong khu vực FDI có yêu cầu về trình độ cao hơn nhiều trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài quốc doanh. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động làm việc cho mình, bởi lẽ nguồn cung lao động dịch chuyển từ khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh khó có thể thỏa mãn nhu cầu trình độ của các doanh nghiệp FDI.

Như vậy rõ ràng, việc Việt Nam đang đứng trong top 10 của bảng xếp hạng mức thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức. Với tốc độ cam kết vốn FDI hiện nay, nếu không có những chuẩn bị về nguồn lực lao động và có chính sách kinh tế hợp lý khuyến khích dịch chuyển lao động có tay nghề thì vị thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài rất dễ bị ảnh hưởng.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm