1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguy cơ bị "hớt tay trên" thương hiệu tại Mỹ, lối thoát hiểm nào cho ST25?

(Dân trí) - Sự việc ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tuần qua. Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến loại gạo ngon nhất nhì thế giới này?

Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp nhanh tay đăng ký thương hiệu ở Mỹ

Thông tin gạo ST24, gạo ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua thông tin phản ánh của doanh nghiệp.

Vậy là sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột,... thêm một thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài. 

Theo ông Vũ Bá Phú, nếu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp đăng ký bản quyền tại Mỹ thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ.

Nếu họ đã đăng ký thành công, doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê luật sư đòi lại. 

Với những trường hợp bị đăng ký mất bản quyền thương hiệu như ST24, ST25, cơ quan chức năng cũng khó có thể can thiệp mà chỉ có thể cung cấp thông tin.

Chiều 21/4, anh hùng lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa ST24, ST25 ngon nổi tiếng, cho biết, đã nắm được thông tin 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường Mỹ.

Nguy cơ bị hớt tay trên thương hiệu tại Mỹ, lối thoát hiểm nào cho ST25? - 1

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của loại gạo ST25 ngon nhất thế giới cho biết, vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất phức tạp (ảnh: I.T).

Vụ gạo ST25 tại Mỹ: Vẫn chưa mất nhưng sẽ mất nếu không nhanh

Trao đổi với phóng viên ngày 22/4, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, nếu ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của thương hiệu gạo ST25 - không sớm có động thái để bảo vệ thương hiệu ở thị trường nước ngoài thì gạo ST25 có nguy cơ bị mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại: "Đây là nguy cơ, chúng ta vẫn chưa bị mất nhưng nếu ta không làm gì, không làm kịp thời thì có thể bị mất".

"Trong hồ sơ hiện nay có 5 hồ sơ đã nộp rồi, đang trong trạng thái đang kiểm tra", ông Phú nói. Theo vị này, quy trình là 6 tháng, nhưng mình không biết họ nộp từ bao giờ, nên nếu sau thời gian trên không có ai kiện cáo, khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp. Nên nếu không sớm có hồ sơ, thông tin phản hồi thì khó.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu", ông Phú nhấn mạnh và cho biết thêm doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.

Cũng theo đại diện Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.

Gạo Việt ngon nhất thế giới ST25 bị Mỹ đăng ký thương hiệu: Lỗi tại ai?

Chia sẻ với báo chí về sự việc, GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng, sự việc này rất đáng tiếc đối với ngành lúa gạo của Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Đây là sự việc lãng nhách, cho thấy sự thụ động của Việt Nam.

"Tôi cho rằng một phần lỗi là do chính ở phía Việt Nam . Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm trước đó, khi gạo ST25 của "cha đẻ" Hồ Quang Cua đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines. Quốc tế công nhận vinh danh rồi, mình có thể nương theo để "phất cờ", để quảng bá gạo ST25, cũng như ngành lúa gạo Việt Nam tới toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại không làm được điều đó", ông Xuân cho biết.

Theo vị giáo sư đầu ngành của lúa gạo Việt Nam: "Cha đẻ" của gạo ST25 không đăng ký sở hữu thương hiệu. Trong khi Bộ NN&PTNT cũng chưa công nhận giống này vì cho rằng chưa qua khảo nghiệm trong nước.

"Như vậy là rõ ràng "lợi ích cục bộ" đã đẩy mình vào thế khó, thương hiệu của người Việt có nguy cơ bị mất vào tay nước ngoài", ông Xuân cho biết.

Trả lời thắc mắc về việc ông Hồ Quang Cua không đăng ký quyền thương hiệu sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25, ông Xuân cho hay, ngay khi gạo ST25 được giải, ông từng liên hệ với một số nhà nhập khẩu từ phía Mỹ để đưa gạo này phân phối tại siêu thị hàng đầu ở thị trường này. Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi đối tác đề cập tới việc gửi mẫu gạo qua để dùng thử thì ngay "cha đẻ" ông Hồ Quang Cua cũng không gửi.

"Sau đó, tôi nói với anh Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Anh Bình có gửi mẫu sang, nhưng khi họ hỏi liệu đặt hàng thì chất lượng gạo có y chang như vậy hay không?", ông Xuân nói.

Chúng ta đã không thể trả lời câu hỏi này bởi gạo chúng ta ngon nhưng để cạnh tranh thì phải có chất lượng ổn định, trong khi chuỗi sản xuất của mình vẫn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Còn Bộ NN&PTNT thì chưa công nhận giống nên không có ưu đãi, cũng như mở rộng vùng trồng cho ST25.

"Cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới 2019: Vẫn tiếp tục mang ST24, ST25 đi thi

Với vấn đề có nên thay đổi giống dự thi không, theo ông Cua, giống thơm ngon là tinh túy của quốc gia. Thơm, ngon, mềm, dẻo không phải tất cả mọi người đều chuộng. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là tinh túy, là biểu tượng để xây dựng thương hiệu quốc gia.

"Hơn 60 năm qua, sau cuộc bình chọn công phu kéo dài nhiều năm, giống lúa Khao Dawk Mali vẫn là "duy ngã độc tôn" của Thái Lan. Qua 12 năm tổ chức thi "Gạo ngon nhất thế giới", các nước lừng danh về gạo thơm mùi dứa vẫn gửi dự thi một giống: Thái Lan đoạt giải nhất sau 6/12 lần dự thi, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Myanmar 1 lần, Việt Nam 1 lần. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên được xếp hạng nhì với ST25.

Nếu cứ thay đổi giống để đi thi, làm sao xây dựng nền tảng sản xuất để kinh doanh, chả lẽ lấy giống đã được đánh giá thấp hơn đi thi sao. Vì thế, tôi khẳng định ngày nào còn sống tôi vẫn đem gạo ST24 và ST25 đi thi để khẳng định vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam", ông Hồ Quang Cua chốt lại một cách chắc nịch.

"Cha đẻ" gạo ST25: Đã có DN Việt tại Mỹ muốn hỗ trợ vụ bảo hộ thương hiệu

Ông Hồ Quang Cua cho biết, ông là người góp phần chủ chốt để lai tạo ra giống gạo và gia đình có kinh doanh lúa, gạo để có thêm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu và tiếp tục nghiên cứu những dòng gạo có nhiều ưu điểm hơn trong tương lai.

"Tuy nhiên, chúng tôi không có khả năng kinh doanh xuất khẩu và cũng không am hiểu đầy đủ những luật lệ trong sân chơi quốc tế, cho nên không có đăng ký bảo hộ sản phẩm ở Mỹ và các thị trường lớn khác. Việc các tổ chức bên Mỹ đăng ký bảo hộ tên gọi sản phẩm là việc làm của bên sở tại. Tuy nhiên, có thể làm thiệt hại đến các bên liên quan như người tiêu dùng", ông Cua nói.

Ông Cua cho biết, với sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông, các cơ quan hữu quan và vì uy tín của sản phẩm Việt, quyền lợi người tiêu dùng, ông sẽ nỗ lực làm thủ tục đăng ký bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ.

"Thật bất ngờ, tôi vô cùng xúc động khi một doanh nghiệp rất lớn Việt Nam có mảng kinh doanh bên Mỹ ngỏ ý sẵn lòng hỗ trợ tôi trong việc thực hiện thủ tục này. Tôi chân tình cám ơn sự thông tin, động viên, góp ý của tất cả mọi người, nhất là một người bạn lớn chưa hề quen biết nhưng có tấm lòng vì Việt Nam", ông Cua trải lòng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm