1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người Việt mở thêm hơn 125.000 tài khoản đầu tư chứng khoán tháng sát Tết

Mai Chi

(Dân trí) - Đến nay, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã là 7,36 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7,33% dân số.

Theo dữ liệu vừa được Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) công bố, trong tháng đầu tiên của năm 2024, tổng số tài khoản của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có sự cải thiện đáng kể.

Cụ thể, tại ngày 31/1, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 7,42 triệu tài khoản, tăng 125.356 tài khoản so với thời điểm 31/12/2023.

Trong đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 7,36 triệu đơn vị; của tổ chức trong nước là 16.356 tài khoản lần lượt tăng 125.048 tài khoản và 121 tài khoản so với 1 tháng trước đó.

Người Việt mở thêm hơn 125.000 tài khoản đầu tư chứng khoán tháng sát Tết - 1

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân vẫn tăng khá mạnh trong tháng đầu năm (Ảnh: Mai Chi).

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua 41.014 tài khoản cá nhân và 4.557 tài khoản tổ chức. Các con số này lần lượt tăng 181 tài khoản và 6 tài khoản so với cuối năm 2023.

Như vậy, đến cuối tháng 1, số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân trong nước tương đương khoảng 7,33% dân số.

Theo Quyết định 1726 ngày 29/12/2023 phê duyệt "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030", số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.

Đến năm 2025, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế...