1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TPHCM:

"Người Việt mình xài sang quá!"

(Dân trí) - Trong buổi nói chuyện về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP, ông Phạm Phú Ngọc Trai, người sáng lập Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) bày tỏ sự lo ngại về “thói quen” thích… xài đồ hiệu của người Việt trong khi đất nước còn nghèo.

Quá phụ thuộc vào FDI

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trong 30 năm qua, đổi mới và hội nhập đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam đạt mức xuất siêu 2,14 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đến nửa đầu năm 2015 đều tăng trưởng ở các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp…

Số dự án FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đều tăng. Tuy nhiên, hầu hết FDI trong những năm gần đây theo hướng sản xuất và chế biến, FDI vào bất động sản vẫn còn thấp so với mức kỷ lục trong những năm thị trường bùng nổ (12,6% trong năm 2014 so với 25% trong năm 2010).

Ông Trai cho rằng, sự chuyển dịch từ đầu tư bất động sản sang lĩnh vực có “năng suất” hơn như sản xuất được xem là sự phát triển tích cực. Điều quan ngại là nền kinh tế nước ta đang quá phụ thuộc vào FDI.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm 2015 khoảng 77,7% tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,4% của 6 tháng năm 2014. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực FDI với các mặt hàng như điện thoại, máy tính, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… Về thị trường hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với 15,7 tỷ USD, EU đạt 14,8 tỷ USD, ASEAN đạt 9,3 tỷ USD.

Một số hiệp định như khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO đã giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới một cách sâu rộng.

img-20150812-093412-d4e07
TPP mang chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội lớn cho ASEAN nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng

Nước nghèo mà xài sang

Nhận định về “sức khoẻ” của nền kinh tế Việt Nam, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu rơi vào doanh nghiệp FDI. Các sản phẩm như máy tính, linh kiện, đồ gỗ, dệt may, giày dép… xuất khẩu tăng nhưng do nhập nguyên liệu gia công nên giá trị đem lại cuối cùng thấp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn quá thấp so với doanh nghiệp FDI.

“Nếu chúng ta không chuẩn bị năng lực đầy đủ thì xuất khẩu của ta vẫn thấp so với doanh nghiệp FDI. Ta mở cửa để FDI vào phát triển nền kinh tế nhưng một mặt chủ trương của chúng ta đẩy mạnh nội lực trong nước. Nếu không phát triển nội lực thì nền kinh tế ta gặp sức ép cạnh tranh lớn. Phải có nhiều chủ trương nâng tính cạnh tranh, nâng năng lực doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hoá”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP là một trong những cuộc đàm phán thương mại lớn nhất trên thế giới với tỷ trọng GDP của các nước tham gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu sẽ mởi ra nhiều cơ hội cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Trai cho rằng, TPP rất quan trọng. TPP mang chuỗi giá trị toàn cầu nên mở ra nhiều cơ hội lớn cho ASEAN nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Vào TPP, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam được tăng lên. Có thể, 10 năm nữa, mua xe ô tô với thuế suất 0 đồng…

Tuy nhiên, ông cũng quan ngại những khó khăn, thử thách mà nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải trong thời gian tới. “Khi ta mạnh khoẻ thì tiếp nhận TPP. Nếu ta không mạnh khoẻ để tiếp nhận thì tôi nghĩ sẽ có nhiều thách thức hơn là cơ hội”, ông Trai nói.

Chuyên gia tư vấn này dẫn ra thực tế, Việt Nam sản xuất bánh kẹo, nước ngọt. Nhưng trên thị trường, hàng Thái Lan rẻ hơn hàng Việt. Thêm một nghịch lý nữa, Việt Nam là một nước nghèo nhưng lại mà xài đồ sang nhất thế giới. Mỗi năm nhập mấy tỷ USD điện thoại Iphone. Đồng hồ phải là của Thuỵ Sĩ, xe ô tô thì phải của Đức mới… xứng đẳng cấp!.

“Tôi không phê phán nhưng thú thực là người Việt mình xài sang quá”, ông Trai nói.

Ông Trai cũng phân tích thực trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, thiếu linh kiện, máy móc của các lĩnh vực sản xuất.

Việt Nam là nước nhiệt đới, có cam, bưởi, quýt, táo… không thiếu bất kỳ loại trái cây nào. Vậy mà hộp nước cam sản xuất tại Việt Nam nhưng nguyên liệu cam đó chưa bao giờ làm ở Việt Nam.

“Tôi trong ngành nên tôi biết, nguyên liệu đó phải nhập”, ông Trai khẳng định.

“Trước khi ta mạnh, ta phải đủ sức tồn tại để tiếp tục phát triển. Vì vậy các doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị, có chủ trương vĩ mô hợp lý để sẵn sàng hội nhập TPP. Phải có sáng tạo, phải có cái đặc biệt để tạo cạnh tranh. Không ai cho không mình cái gì cả. Một khi có bất bình đẳng mà ta không đủ sức để chống chế thì nguy”, ông Phạm Phú Ngọc Trai cảnh báo.

Trước yêu cầu đổi mới để sẵn sàng hội nhập TPP, ông Trai cho rằng, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải tổ hành chính, ngăn chặn nạn quan liêu, tham nhũng…

“Cả cộng đồng doanh nghiệp phải không ngừng cố gắng, đừng để gần chết rồi mới kêu. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau nếu muốn tồn tại”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Công Quang

"Người Việt mình xài sang quá!" - 2