Người Việt có xu hướng "chuộng" nước giải khát nguồn gốc thiên nhiên
(Dân trí) - Sau thời kỳ nước ngọt có ga “làm mưa làm gió” thì hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng chọn những loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên, tốt cho sức khỏe.
Ngày 17/7, tại một sự kiện của ngành nước giải khát diễn ra ở TPHCM, ông Hà Tiến Phước, chuyên gia trong ngành nước giải khát cho biết, thị trường nước giải khát trong nước đang có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát vẫn đang gặp nhiều thách thức và "rào cản" khi tham gia thị trường.
Theo ông Phước, thị trường nước giải khát đang có mức tăng trưởng “bùng nổ” nhưng đáng chú ý nhất là các sản phẩm nước trái cây có nguồn gốc thiên nhiên. Bởi, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đảm bảo cho sức khỏe. Thị trường nước trái cây đang có mức tăng trưởng khoảng 15%/năm.
“Hiện nay, người tiêu dùng cập nhật các thông tin về sản phẩm rất nhanh. Người dùng khá tinh tế trong việc lựa chọn những sản phẩm phù hợp và an toàn cho mình. Nếu các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng này và sản xuất những loại đồ uống chất lượng thì sẽ có cơ hội phát triển trên thị trường”, chuyên gia Hà Tiến Phước nói.
Cũng theo ông Phước, doanh nghiệp sản xuất nước giải khát Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn.
Ngoài việc cạnh tranh với hàng loạt “gã khổng lồ” trong ngành thì các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều “rào cản” khi tiếp cận các kênh phân phối hiện đại.
“Nếu một sản phẩm nước giải khát đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng thì cũng phải mất khoảng 45 ngày để vào được siêu thị. Đó là chưa kể đến việc, một số siêu thị đang âm thầm cản trở hàng Việt lên kệ”, ông Phước chia sẻ.
Nhiều loại nước giải khát có nguyên liệu chủ yếu là các nông sản của Việt Nam như thơm (dứa), nha đam, bí đao, cam...Ảnh: Đại Việt
Theo ông Trần Phan Tế, đại diện một doanh nghiệp nước giải khát tại TPHCM thì doanh nghiệp của ông cũng đang sản xuất nước trái cây bán ra thị trường. Thế nhưng, để giữ được chất lượng thì giá cả của sản phẩm vẫn ở mức cao. Đây cũng là một trong những khó khăn khi cạnh tranh.
“Dù biết là giá cao khó cạnh tranh nhưng chúng tôi vẫn quyết không đánh đổi chất lượng bằng giá cả. Khách hàng sẽ nhận ra những sản phẩm Việt Nam có chất lượng”, ông Tế khẳng định.
Cũng theo ông Tế, khi doanh nghiệp của ông xác định sản xuất nước trái cây chất lượng cao thì đơn vị này đã phát triển vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn Global GAP tại Ninh Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là tiêu chuẩn đảm bảo để nước trái cây Việt Nam có thể xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar…Thậm chí là những thị trường như Châu Âu hay Hoa Kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại hàng đầu như: công nghệ tiệt trùng UHT, công nghệ chiết rót nóng 4 trong 1, dây chuyền sản xuất 18.000 chai/giờ hay đầu tư hệ thống phòng sạch AHU đảm bảo chiết rót vô trùng nhằm cạnh tranh với các sản phẩm giải khát hàng “Top” của thị trường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê và Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, một người Việt tiêu thụ bình quân 23 lít nước giải khát/năm. Nhờ sức tiêu thụ tốt nên tăng trưởng giá trị của nhóm đồ uống không cồn ở năm 2018 so với năm 2017 là 7%. Nhiều doanh nghiệp nước giải khát đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm.
Thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang thể hiện sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do mức tăng trưởng nội địa liên tục duy trì con số ấn tượng từ 6 - 7%/năm, trong khi những thị trường lớn như Pháp hay Nhật Bản chỉ dừng ở mức khoảng 2%.
Thị trường nước giải khát trong nước đang có tiềm năng phát triển rất tốt. Ảnh: Đại Việt
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất nước giải khát đang đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để cạnh tranh trong thời đại mới. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Doanh nghiệp nào chú trọng đến những sản phẩm gắn liền với thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Đại Việt