1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Bình thường như... "cân đường hộp sữa"

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, pháp lý, việc người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ cũng bình thường như người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Lo ngại ở đây là đồng tiền đó bất hợp pháp hay không bất hợp pháp, dòng tiền chuyển đi như thế nào.

Vì sao người Việt thích "gom" bất động sản?

Thông tin người Việt Nam xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất gây "rúng động" dư luận. Nhiều người cho rằng, số tiền hơn 3 tỷ USD là khá lớn, cháy máu ngoại tệ, cần chấn chỉnh.

Ngoài mục đích đầu tư, sinh lời, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát từ tâm lý "an cư lạc nghiệp" có tự bao đời đã khiến người Việt Nam có sở thích "gom" bất động sản.

Chị N.T (ngụ P.Đa Kao, Quận 1, TPHCM) cho biết, do con đi học ở Mỹ nên thay vì trả tiền thuê trọ, gia đình chị quyết định đầu tư căn nhà. "Nói thiệt là ai mua nhà bên Mỹ cũng tính đến đường định cư. Thêm nữa, lại cho mướn để sinh lời chứ để tiền nhàn rỗi làm gì", chị N.T nói.

Cũng theo chị N.T, không những chị mà nhiều bạn bè của chị cũng mua nhà ở nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Ý, Úc...

Thông tin người Việt Nam xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất gây rúng động dư luận (Ảnh minh hoạ)
Thông tin người Việt Nam xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất gây "rúng động" dư luận (Ảnh minh hoạ)

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế kể rằng, trong vòng 1 - 3 năm trở lại đây, giá nhà ở Mỹ nhiều khu xuống thấp. Chỉ cần 50.000 - 70.000 USD là có thể sở hữu căn nhà to, gần trung tâm. Vì giá hấp dẫn nên nhiều người mua để đầu cơ.

Mặc khác, người Việt thích mua nhà ở nước ngoài vì xu hướng cho con đi du học ngày càng tăng. Lấy ví dụ từ thực tế của mình, năm 2007, TS Bùi Quang Tín học ở Mỹ, thuê căn phòng nhỏ đã là 700-800 USD/tháng. Phòng khang trang thì 1.500-2.000 USD/tháng. Do giá như vậy nên thay vì thuê thì nhiều gia đình quyết định đầu tư luôn căn với giá 50.000 - 70.000 thậm chí 100.000 USD cho con cái đi học.

Một động lực nữa chính là do kinh tế Mỹ đang nhích lên. Trong khi đó, đầu tư ở Việt Nam chỉ lợi nhiều trong giai đoạn 2015-2016. Năm 2017, có trào lưu chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài. Lợi nhuận có thể thấp nhưng có thể tính toán được độ lên, rủi ro thấp.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao chỉ đầu tư vào bất động sản? TS Bùi Quang Tín cho rằng, đầu tư ở nước ngoài có nhiều cái khó. Ngoài mảng bất động sản ra thì đầu tư kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng không đơn giản.

"Đầu tư ngoài lĩnh vực bất động sản thì thông thường phải hợp tác với người ta, thì đủ thứ phức tạp. Hướng đầu tư bất động sản thì tự làm tự ăn, tự hạch toán thu chi dễ hơn. Đầu tư cái khác rủi ro về văn hoá, khó về quản lý trong khi chính sách của Mỹ đang theo hướng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển", TS Bùi Quang Tín nói.

Mua nhà ở Mỹ: Chuyện bình thường!

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, báo cáo của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) chưa đi cụ thể vào vấn đề mà chỉ phản ánh hiện tượng. Người Việt Nam chi tiền mua nhà ở Mỹ là có. Nhưng, báo cáo chỉ dựa trên dòng tiền chứ không nêu rõ thành phần, giới tính... nên không thể biết nguồn tiền họ như thế nào.

Luật sư Chánh cho rằng, việc chuyển tiền hiện chỉ là suy đoán chứ không có căn cứ xác định. Theo suy đoán, nguồn tiền này ra nước ngoài thông qua con đường chuyển tiền chui nên không xác định được nguồn tiền xuất phát từ đâu như thừa kế tài sản, bán các tài sản tại Việt Nam... dẫn đến việc không biết được lượng tiền đó tại sao lại có nhiều như vậy.

Luật sư Chánh cho rằng, người Việt mua nhà ở nước ngoài cũng bình thường như người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam (Ảnh minh hoạ)
Luật sư Chánh cho rằng, người Việt mua nhà ở nước ngoài cũng bình thường như người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Nếu việc chuyển tiền tất cả phải thông qua hệ thống ngân hàng được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì không có gì bàn cãi. Còn việc chuyển tiền qua đường chui thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, được khép vào tội danh vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.

"Một người chọn cách chuyển tiền không thông qua hệ thống ngân hàng để trốn một khoản phí về chuyển tiền cũng như chứng minh nguồn gốc tiền thì họ chịu rủi ro. Nếu bị bắt thì có thể bị tịch thu số tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn việc chuyển qua hệ thống ngân hàng thì được đảm bảo an toàn về pháp lý đặc biệt đối với một số quốc gia như Mỹ thì họ rất siết chặt mặt tiền tệ, bắt chứng minh nguồn gốc đồng tiền. Nếu anh chuyển tiền, luồng tiền hợp lệ ra nước ngoài mua bất động sản thì rõ ràng họ được bảo đảm về mặt pháp lý", luật sư Chánh phân tích.

"Báo cáo mơ hồ, không cụ thể dù bản chất sự việc là có. Việc người Việt mua nhà ở nước ngoài là bình thường giống như người nước ngoài được quyền mua nhà ở Việt Nam là hết sức bình thường, không vấn đề gì đáng lo ngại hết. Lo ngại ở đây là đồng tiền đó bất hợp pháp hay không bất hợp pháp, dòng tiền chuyển đi như thế nào", luật sư Chánh nói.

Với báo cáo của NAR, cơ quan chức năng Việt Nam có muốn làm rõ việc "chảy máu ngoại tệ" cũng không xuể. Dòng tiền có thể trong nước chuyển ra, cũng có thể người Việt đang sinh sống tại quốc gia đó tích góp được trong hoạt động kinh doanh...

"Hơn 3 tỷ đô thì đâu có lớn. Nếu chỉ dựa vào báo cáo này mà suy luận dòng tiền bất hợp pháp là không có căn cứ. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh để cơ quan chức năng cần tăng cường hơn với công tác đấu tranh, kiểm tra giám sát loại tội phạm vận chuyển tiền ra nước ngoài thông qua hệ thống ngân hàng", luật sư Chánh khẳng định.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm