Người trồng tiêu tại Quảng Trị khốn đốn vì dịch bệnh

(Dân trí) - Nhiều diện tích cây hồ tiêu của người dân các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đang độ thu hoạch thì bị chết vì dịch bệnh, người dân đã sử dụng các biện pháp phòng trừ nhưng không hạn chế được bệnh lây lan, gây thất thu cho bà con nông dân.

Xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là địa phương có diện tích trồng tiêu khá lớn. Toàn xã có hơn 150 ha tiêu, phần lớn diện tích đang vào độ thu hoạch, với năng suất bình quân hàng năm khoảng 16 tạ/ha. Thế nhưng, từ tháng 11/2016 đến nay, nhiều vườn tiêu của người dân trên địa bàn bị chết do dịch bệnh, gây lo lắng và làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Địa phương này hiện có gần 30 ha tiêu bị chết do dịch bệnh.

Những cây tiêu đang phát triển thì bị vàng lá và chết dần
Những cây tiêu đang phát triển thì bị vàng lá và chết dần

Diện tích cây tiêu bị chết tập trung nhiều nhất ở thôn Cổ Mỹ và rải rác ở một số hộ thuộc HTX Tân Mỹ. Hiện tượng dịch bệnh dẫn đến chết nhanh trên cây hồ tiêu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 ngày đến một tuần. Các gốc tiêu bị chết đều có chung dấu hiệu phát bệnh ở gốc sau đó lá bị rụng, mạch dây dẫn thân tiêu bị thâm đen.

Tình trạng dịch bệnh cũng xảy ra tương tự tại xã Gio An, huyện Gio Linh. Nhiều bà con nông dân rơi vào tình cảnh khốn đốn do tiêu bị chết hàng loạt. Trong khi đó, vụ thu hoạch đang đến rất gần, khiến bà con bị mất trắng hàng chục triệu đồng.

Nhiều diện tích cây hồ tiêu bị chết thời gian qua tại xã Gio An, huyện Gio Linh
Nhiều diện tích cây hồ tiêu bị chết thời gian qua tại xã Gio An, huyện Gio Linh

Theo nhiều hộ trồng tiêu cho biết, cây tiêu bị bệnh héo úa rất nhanh và chết dần, các thân dây chính vẫn bám trên trụ choái (có trường hợp khi cây chết lá bị héo khô chuyển sang màu đen nhưng rất lâu mới rụng xuống). Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nên người nông dân không kịp trở tay và chưa tìm ra được thuốc chữa cũng như cách để hạn chế sự lây lan.

Ông Lê Văn Thức (ở Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang) cho biết: Gia đình ông có 1.500m2 trồng tiêu nhưng thời gian qua xảy ra dịch bệnh khiến hàng chục gốc tiêu bị chết. Để tránh lây lan, ông đã sử dụng các biện pháp phòng trừ như phun thuốc trên thân, dùng vôi bột để xử lý gốc nhưng cây tiêu vẫn chết.

Ông Phạm Ngọc Giỏi, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang cho hay, vườn nhà ông có hơn 150 gốc tiêu bị chết. Năm nay ông đầu tư 50 triệu đồng để mua giống và phân bón chăm sóc cho tiêu. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tiêu đã khiến gia đình ông thất thu hàng chục triệu đồng.

Những cây tiêu đang độ thu hoạch bị chết dần do dịch bệnh
Những cây tiêu đang độ thu hoạch bị chết dần do dịch bệnh

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 400 ha nhiễm bệnh chết nhanh, chủ yếu ở Gio Linh 140 ha, Vĩnh Linh 215 ha, Cam Lộ 15 ha. Diện tích nhiễm nặng gần 60 ha, trong đó nhiều vườn cây chết hàng loạt với diện tích quy đông đặc 21,1 ha (chủ yếu ở các xã Gio An, Trung Sơn - Gio Linh). So với năm 2016, diện tích nhiễm tăng 188 ha, năm 2015 bệnh chỉ gây hại rải rác. Ước tính thiệt hại cho người trồng hồ tiêu do bệnh chết nhanh gây ra khoảng 10 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tăng cường công tác phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo phòng trừ và cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở để điều tra, phát hiện trên địa bàn huyện. Hướng dẫn xử lý thuốc các cây tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh và các trụ tiêu bị bệnh.

Cho đến nay, cơ bản bệnh chết nhanh hại hồ tiêu đã được khống chế. Tuy vậy nguồn bệnh trong đất, trong tàn dư cây trồng vẫn còn tồn tại và có khả năng tiếp tục gây hại trong các năm tiếp theo.

Đăng Đức