Long An:

Người trồng thanh long "chết đứng" vì virus Corona

(Dân trí) - Hơn 20.000 tấn thanh long ở Long An đang có nguy cơ đổ bỏ vì Trung Quốc đóng cửa giao dịch tại các cửa khẩu. Hàng loạt khách hàng Trung Quốc hủy đơn hàng vì sợ lây lan virus Corona.

Người trồng thanh long chết đứng vì virus Corona - 1

Hiện, hàng ngàn nông dân đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì thanh long bị TQ hủy hàng loạt đơn hàng. 

Nông dân điêu đứng 

Những ngày qua, nông dân trồng thanh long ở Long An "đứng ngồi không yên" vì các đơn hàng của thương lái Trung Quốc đặt mua liên tục bị hủy. Bắt đầu là các thương lái từ khu vực Vũ Hán rồi đến các khu vực khác của Trung Quốc. Trước tình hình trên, nhiều nông dân đã hạ giá bán thanh long ở mức 4.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. 

"Giờ chúng tôi cũng rất lo lắng vì sợ lây nhiễm virus Corona nhưng không bán được thanh long cũng rất đáng sợ. Chúng tôi là nông dân, cả năm chỉ trông chờ vào vụ thanh long này mà giờ không bán được chúng tôi đổ nợ hết. Trước Tết, các thương lái đã đặt cọc và thu gom thanh long với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng giờ họ hủy hết. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này chúng tôi thực sự không biết sống thế nào", bà Ngô Ái My (ngụ Long An) chia sẻ.

Không chỉ bà My, hàng ngàn nông dân Long An cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng năm, thanh long chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giờ rất khó để tìm các đầu ra phù hợp. 

"Số lượng quá lớn, nông dân thì không biết cách để tiêu thụ nên chắc bán rẻ nếu không ai mua nữa thì cho bò ăn. Năm nay thua lỗ chắc chắn rồi. Biết là để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh nhưng nông dân vẫn thiệt thòi quá. Giờ chỉ cầu cứu thị trường trong nước để bán giảm giá thôi, được đồng nào hay đồng đó. Mong dịch bệnh sớm chấm dứt để Trung Quốc thu mua lại thanh long thì nông dân mới thu hồi vốn để trả nợ tiền phân bón, giống...", ông Bùi Trường Giang (nông dân ở Long An) nhận định. 

Người trồng thanh long chết đứng vì virus Corona - 2
Lãnh đạo huyện Tân Trụ và nông dân "kêu cứu" vì thanh long không tiêu thụ được.

Trước tình trạng trên, ngày 5/2, Sở Công Thương tỉnh Long An đã họp bàn với các tỉnh thành khu vực phía Nam nhằm tìm biện pháp "giải cứu" thanh long.

Theo báo cáo, tỉnh Long An hiện có 11.836ha thanh long, đạt 110% kế hoạch (10.800ha), bằng 105% so cùng kỳ năm 2019, trong đó, diện tích cho trái khoảng 10.281ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ. Hiện tình hình tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp.

"Do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nên một số khách hàng Trung Quốc đã hủy đơn hàng mua thanh long ruột đỏ của Hiệp hội Thanh long Long An. Hiện thanh long đang vào đợt thu hoạch, khoảng 20.000 tấn, cộng với lượng tồn kho không mua vào, giá thanh long thấp (các kho phát giá 4.000-5.000 đồng/kg), nhà vườn gặp khó khăn.

"Giải cứu" thanh long 

Người trồng thanh long chết đứng vì virus Corona - 3

Sở Công Thương các tỉnh thống nhất chung tay "giải cứu" thanh long Long An.

Hiện Trung Quốc đóng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới nên tình hình tiêu thụ thanh long của Long An và các tỉnh rất khó khăn. Nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ thanh long của tỉnh, Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung" ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An chia sẻ. 

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An thì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khoảng 80% thanh long tại Long An. Vừa qua, Trung Quốc đã hủy hơn 500 container nhập thanh long với giá dao động từ 40.000 - 50.000 nghìn đồng/kg từ thời gian 27/1/2020 đến 31/1/2020.

Theo ông Trịnh, hiện nay, thanh long trên địa bàn còn tồn dư khoảng 23.000 tấn. Hiệp hội cũng đã có cuộc họp với các nhà kho và thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.0000 nghìn đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, nhà lái và nhà vườn. Tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho và lượng hàng thu hoạch quá nhiều nên không thể thu mua hết. 

Trước khó khăn trên, đại diện các Sở Công thương khu vực phía Nam đồng nhất chung tay "giải cứu" thanh long Long An bằng cách nhập về tiêu thụ tại địa phương. Đồng thời, nhiều giải pháp về việc liên kết với các chuỗi tiêu thụ nông sản tại Việt Nam cũng được hiến kế để Long An xây dựng, phát triển. Đây là việc đầu tư sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để nâng cao chất lượng, tạo sự phát triển bền vững cho người trồng thanh long.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: "Long An cần phải nâng cao chất lượng thanh long, giảm số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thể từ 75% xuống còn 50, 40% để chúng ta không phụ thuộc vào thị trường này, mà có thể xuất khẩu qua thị trường khác. Thời gian tới, TP.HCM sẽ hỗ trợ kết nối các DN xuất khẩu thanh long để thu mua sản phẩm của Long An và các tỉnh thành trồng thanh nói chung ở phía Nam".

Xuân Hinh