Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê

Tâm Nguyễn Trường Thịnh

(Dân trí) - Tìm chọn giống tốt, thay đổi cách canh tác nên năng suất, chất lượng nâng cao, thu nhập ổn định…, cuộc sống của nhiều người trồng cà phê tại Đắk Lắk đang đổi thay. Cà phê, giờ đây, không chỉ là nguồn sống hiện tại mà còn là tương lai.

Người nông dân thời đại mới

Đầu tháng 10, nhiều cây trong vườn cà phê của chị Mai Thị Nhung (thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã có trái chín nên chị phải hái tỉa để "cắt" nguồn thức ăn của sâu gây hại. Cách làm này chị Nhung làm theo hướng dẫn của các kỹ sư sau khi tham gia chương trình NESCAFÉ Plan từ năm 2015.

Sau những buổi đi thăm vườn cà phê của nông dân đã tham gia trước, ngồi nghe tập huấn kỹ thuật…, chị Nhung "vỡ" ra nhiều điều và đem áp dụng với vườn của mình.

Sau 2 năm, nữ nông dân đã trở thành nhóm trưởng, chỉ bà con cách cắt cỏ thay vì cuốc cỏ, xới xáo đất; tỉa bớt cành cà phê rồi gom lại, phủ vào gốc cây chờ phân hủy thành phân hữu cơ; hướng dẫn cách nhìn chai nhựa úp ngược còn đọng hơi nước là độ ẩm trong đất còn đủ 25%; cách tưới nước đủ 400lít/cây bằng cách cứ nhìn vào lon sữa bò để bên gốc, đầy 2/3 lon đã đủ; cách trồng "3 hàng cà, 1 hàng tiêu"…

Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê - 1

Chị Nhung quê gốc ở Thanh Hóa vào Đắk Lắk năm 1998, lấy chồng rồi mới biết cây cà phê (Ảnh: Nestlé Việt Nam).

"Những năm đầu theo chồng trồng cà phê, ổng bảo gì mình làm nấy. Bây giờ là mình bảo gì ổng phải làm theo. Vì cách làm của mình có hiệu quả thực sự. Giờ trồng theo kiểu tái sinh, đầu tư phân, nước giảm hẳn nhưng năng suất lại cao", chị Nhung nói đó là cách để gần 90 hộ nông dân trong nhóm ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk này tin tưởng mình và nghe theo các hướng dẫn.

Hiện nay, mỗi năm chị Nhung thu 7 tấn cà phê từ 2ha đất, thêm 4 tấn tiêu trồng xen canh ở vườn cà phê, thêm 1 tấn cau trồng quanh vườn. Tổng thu nhập từ nông nghiệp tái sinh đã hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình chị, chưa kể thu nhập từ nguồn điện mặt trời mái nhà.

"Cuộc sống tốt lên thấy rõ nhờ cà phê", chị Nhung khẳng định.

Cách nhà chị Nhung vài cây số, anh Dương Thanh Sâm cũng tham gia NESCAFÉ Plan từ năm 2012 khi được xã Ea Tiêu mời tập huấn kỹ thuật canh tác. Người nông dân quê Nghệ An biết đến cà phê từ năm 7 tuổi theo bố mẹ đi "kinh tế mới" lập tức tham gia vì thấy có rất nhiều kiến thức hay, khác biệt so với cách làm mấy chục năm qua đang áp dụng.

Đầu tiên là trồng xen canh, cứ 4 hàng cà đến 2 hàng tiêu để việc tưới nước, bón phân thúc ra hoa của cây này không làm "thúc lây" sang cây khác, không cạnh tranh dinh dưỡng của nhau. Kế đến là tận dụng cành lá cà phê sau khi cắt tỉa, phủ vào gốc, chờ hoai mục để thành chất dinh dưỡng cho cây hay tưới vừa đủ nước để vừa tiết kiệm nước, công sức, vừa không làm trôi phân bón.

Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê - 2

Cuộc sống của anh Sâm thay đổi từ khi tham gia NESCAFÉ Plan (Ảnh: Nestlé Việt Nam).

"Tham gia chương trình, mỗi mùa tôi tiết kiệm được 20% lượng phân bón; 40-50% lượng nước tưới. Hồi xưa, tôi có 3,5ha, cà phê năm nào đạt nhất là 3 tấn/ha. Trồng xen canh bơ, tiêu nhưng năm được năm mất, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nay vườn còn gần 2ha, mỗi năm thu được hơn 6 tấn cà phê, 4 tấn tiêu", anh Sâm nói cuộc sống thoải mái, có điều kiện nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó có một đứa du học Hàn Quốc ngành đóng tàu.

Chị Nhung, anh Sâm là 2 trong số 21.000 nông dân đang tham gia NESCAFÉ Plan - chương trình do Nestlé Việt Nam triển khai ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ Nông nghiệp Nestlé Việt Nam cho biết, chị Nhung, anh Sâm là 2 trong 274 trưởng nhóm hiện có của chương trình.

Có vườn cà phê tốt, có hiệu quả cao nhờ thực hành các kỹ thuật canh tác đúng, tiếng nói của các trưởng nhóm này có sức thuyết phục với các nông hộ khác, giúp chương trình lan tỏa. Đây là một trong những lý do quan trọng giúp NESCAFÉ Plan duy trì và phát triển được từ 2011 đến nay, trong khi nhiều chương trình của các tổ chức khác đã không còn tiếp tục.

Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê - 3

Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ Nông nghiệp Nestlé Việt Nam (Ảnh: Nestlé Việt Nam).

Ông Ngọc chia sẻ thêm, khi làm việc với nông dân, những lý thuyết như độ ẩm đất phải đạt 25%, tưới đủ 400 lít nước/cây để cây ra hoa tốt… sẽ rất khó hiểu và khó thực hành. Vì vậy, các kỹ sư đã nghĩ ra những cách thức, công cụ để "đo" độ ẩm, lượng nước. Đó chính là cách nhìn vào hơi nước đọng trên chai nhựa hay có 2/3 nước trong lon sữa bò như mọi người nhắc đến.

Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê

Tin ở tương lai của cà phê

Việt Nam là 1 trong 18 quốc gia mà Tập đoàn Nestle đang triển khai chương trình NESCAFÉ Plan. Trong đó, theo ông Ngọc, Việt Nam thực hiện hiệu quả nhất, theo đúng tiêu chuẩn nông nghiệp tái sinh, tức đưa cây cà phê trở về tự nhiên càng nhiều càng tốt và không "bóc lột" cây.

Mô hình này thể hiện ở ba khía cạnh: chú trọng sức khỏe đất (giảm thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn phân hữu cơ từ cây cỏ, cành lá cà phê sau cắt tỉa hay vỏ cà phê đã được ngâm ủ); bảo tồn nước (tưới đúng để không bị trôi phân bón, cây ra hoa đồng loạt đạt 90% giúp thu hoạch dễ dàng) và đa dạng sinh học (đưa những cây trồng xen hợp lý và quản lý cỏ dại theo hướng tái sinh).

"Người nông dân Việt Nam siêng năng, chịu khó và không quá phụ thuộc vào các hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Chương trình đạt được đúng mục tiêu đề ra là nâng cao năng lực cho người nông dân. Đây chính là sự khác biệt của Việt Nam", ông Ngọc nhấn mạnh và cho biết, các mô hình trang trại điển hình thuộc chương trình NESCAFÉ Plan tại Đắk Lắk thường xuyên tiếp các đoàn từ các nước sang học hỏi và thăm quan.

Người trồng cà phê Đắk Lắk vững tin vào cây cà phê - 4

Cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé Việt Nam thường xuyên đồng hành và hỗ trợ nông dân trồng cà phê và tập huấn cho họ phương pháp canh tác theo hướng nông nghiệp tái sinh (Ảnh: Nestlé Việt Nam).

Những hộ trồng cà phê tham gia chương trình có thể đạt năng suất 3 - 4 tấn/ha, nếu tái canh thì sau 3 năm đã đạt được sản lượng như cây già, khoảng 2 tấn, năm thứ 4 là 3 tấn và đến năm thứ 5 là tối ưu, ổn định.

"Tối ưu ở đây là chỉ cần 4 -5 tấn/ha để cây cho trái chất lượng. Đồng thời, trồng xen các cây khác để có thêm thu nhập. Tổng giá trị thu về cao hơn vườn có năng suất 7-12 tấn tấn/ha mà chỉ chuyên canh cà phê và đầu tư chi phí lớn", ông Ngọc kể lại.

Anh Sâm cho biết, từ năm 2016, khi tái canh vườn cà phê, anh đã chọn mua những giống cà phê có năng suất cao, có khả năng chống bệnh gỉ sắt trên lá và được chương trình hỗ trợ 50% giá cho cây thực sinh (gieo từ hạt) và 1.500 đồng/cây ghép (giá 5.000 - 6.000 đồng/cây) tại thời điểm đó. Đây là giống cây do Nestlé Việt Nam hợp tác, hỗ trợ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn.

"Điều tâm đắc nhất của tôi khi tham gia chương trình là tăng được năng suất vườn nhưng giữ được độ phì nhiêu, độ khỏe của đất để canh tác lâu dài. Nếu như trước đây giống như cái ao nuôi cá trời, có gì thu nấy thì nay là có sẵn cá, cứ thả mồi xuống là ăn. Vậy nên tôi phấn khởi và tự tin", anh Sâm nói và muốn giữ lại vườn cây để con cái sau này phát triển tiếp.