Người tiêu dùng "hoảng" với lãi suất cho vay tiêu dùng "cắt cổ"

(Dân trí) - Dù được các công ty quảng cáo cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30%/năm (tương đương 2-3%/tháng) nhưng thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay mức cao nhất có thể lên tới 60-70%/năm, thậm chí là trên 80%/năm.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thông tin đưa ra tại Hội thảo bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng diễn ra sáng ngày 13/7 cho thấy, tín dụng tiêu dùng thời gian qua có sự tăng trưởng hết sức nhanh chóng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trung bình tăng gần 20%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.

Báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng cho thấy, chỉ trong 2 năm (2013 - 2014), mức lợi nhuận của công ty tăng 38,7%, tổng tài sản tăng 124,7% từ mức 2.611 tỷ đồng lên mức 5.867 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã nhận được rất nhiều phản ánh, khiếu nại về trong lĩnh vực này, chiếm tới 80% các khiếu nại về lĩnh vực tài chính. Giá trị phản ánh không cao nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tín dụng tiêu dùng.

Ông Tuấn cũng chỉ ra trong nhiều trường hợp, tín dụng tiêu dùng còn “nhập nhằng” với tín dụng đen khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh lao đao.

“Nhiều cột điện bên đường dán giấy giới thiệu cho vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi điện là vay được ngay. Rất nhiều gia đình đã phải bán cả nhà khi tham gia những vụ việc cho vay không đúng, tín dụng đen như thế này”, ông nói.

Còn theo ông Hồ Tùng Bách - Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh) tiết lộ, dù được các công ty quảng cáo cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30%/năm (tương đương 2-3%/tháng) nhưng thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay mức cao nhất có thể lên tới 60-70%/năm, thậm chí là trên 80%/năm.

“Các công ty cho vay tiêu dùng thường cung cấp dịch vụ ở các quầy siêu thị, trung tâm mua sắm hoành tráng với các nhân viên tư vấn xinh đẹp. Người tiêu dùng nhìn vào đó và cho rằng công ty cũng to, làm ăn uy tín nên tin tưởng tham gia vay. Đến khi chúng tôi nhận được khiếu nại thì đều là các trường hợp đã ký hợp đồng với lãi suất “cắt cổ” rồi”, ông Bách nói.

Ông Bách chỉ ra thêm một số “mánh” của các doanh nghiệp cung cấp tín dụng tiêu dùng như: cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác, cố tình gây nhầm lẫn và lừa dối thông tin về lãi suất, điều kiện, phí phạt hợp đồng…

Ngoài quảng cáo về mức lãi suất không đúng thực tế, khi ký kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng, nhân viên thậm chí còn để trống mục lãi suất và điền sau đó. Rất nhiều người tiêu dùng cũng khiếu nại công ty tiêu dùng đã không cung cấp thông tin về thời hạn trả nợ, phương thức trả nợ hay quá hạn sẽ chịu phạt ra sao. Điều này luôn đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh “bút sa gà chết”.

Chưa kể khi vay tiêu dùng, người vay còn phải khai cả thông tin người thân trong gia đình. Đến khi nợ quá hạn, công ty cho vay tiêu dùng thậm chí còn tìm đến người nhà để hăm doạ, nhắn tin đe doạ đòi nợ.

“Trong trường hợp chúng tôi nhận được khiếu nại có người phụ nữ mang bầu 4 tháng bị ép ký vào giấy cam kết trả nợ cho chồng do anh này mua điện thoại, không trả được nợ và đã bỏ trốn. Chị vợ này sau đó liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ, có ngày nhận được 17 cuộc gọi và 20 tin nhắn đe doạ từ 6h sáng cho tới tận 10h đêm”, ông Bách cho biết.

Dù vay với lãi suất cao “chót vót” nhưng khi khách hàng cần khiếu nại thì lại bị công ty cho vay tiêu dùng “đùn đẩy” trách nhiệm. Theo ông Bách, để gửi đơn khiếu nại cho công ty cho vay tiêu dùng thường khá khó khăn vì họ chỉ cho liên hệ với hệ thống chăm sóc khách hàng.

“Tổng đài, hotline liên tục báo bận, khi gọi tới thì nghe nhạc chờ, lời thoại hướng dẫn dài dòng, đùn đẩy từ Tổng đài chăm sóc khách hàng sang nhân viên tư vấn rồi ngược lại. Thời gian giải quyết khiếu nại rất dài, lên tới 30 ngày khiến người tiêu dùng cảm giác luôn bất an”, ông Bách nói thêm.

Chia sẻ về lãi suất cho vay tiêu dùng, TS. Đinh Thị Thanh Nhàn - Khoa Kinh tế luật (ĐH Thương mại Hà Nội) cho biết, theo quy định, trần lãi suất quy định là 20% nhưng đây chỉ là con số “trong mơ” đối với vay tiêu dùng. Trên thực tế, lãi suất thấp nhất vẫn là 25%/năm và cao thậm chí lên tới 80%/năm.

Bàn về giải pháp, theo ông Đặng Tiến Công (ĐH Thương mại Hà Nội): “Sai phạm diễn ra quá phổ biến như vậy là do quy định lãi suất trần không phù hợp với sản phẩm cho vay tiêu dùng. Do đó, cần có sự thay đổi quy định này để doanh nghiệp không tìm cách lách luật, cung cấp thông tin không đúng. Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát rủi ro, yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu công khai…”.

Còn theo bà Phạm Quế Anh chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức cho rằng, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nói chung hay chuyên ngành cần thanh tra, kiểm tra, bắt buộc các bên cho vay, bán hàng phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định. Đồng thời, yêu cầu dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.

“Tuy nhiên, dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu, vấn đề vẫn là người tiêu dùng có nhận thức được quyền lợi của mình hay không? Có hành xử được như người tiêu dùng thông minh hay không?”, bà Quế Anh nhấn mạnh.

Phương Dung