1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người người đổ xô đầu tư, tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có

Mai Chi

(Dân trí) - Bất chấp nỗi lo Covid-19 hay nhiều cổ phiếu đã ở vùng giá cao, tiền vẫn dồn dập đổ vào chứng khoán, thanh khoản thị trường cao chưa từng có, chỉ số thoát hiểm và bật tăng mạnh.

Cho đến hết phiên 31/5 có thể khẳng định rằng lời nguyền "sell in May and go away" (bán cổ phiếu vào tháng Năm rồi rời bỏ thị trường) đã hoàn toàn không "ứng" với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bất chấp diễn biến dịch Covid-19 phức tạp sau kỳ nghỉ 30/4-1/5, tiền vẫn liên tục được đổ vào chứng khoán.

Người người đổ xô đầu tư, tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có - 1

Thị trường thoát hiểm ngoạn mục, bật tăng trong phiên chiều (Ảnh chụp màn hình).

Trong sáng nay, thị trường chứng khoán đón nhận một luồng tiền khổng lồ như thác lũ không gì ngăn cản nổi đổ vào mua cổ phiếu, ngay cả khi có những lo ngại thị trường đã ở vùng "cao" nhiều rủi ro và tin TPHCM giãn cách xã hội.

Mới chỉ 150 phút giao dịch phiên buổi sáng mà sàn HSX đã có 19.063,37 tỷ đồng được giải ngân, khối lượng cổ phiếu giao dịch ở mức 553,42 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn lên tới 22.701,92 tỷ đồng (suýt soát 1 tỷ USD).

Khi thị trường giao dịch sôi động cũng là lúc sàn HSX rơi vào trạng thái "đơ", "nghẽn", "loạn giá". Tình trạng này khiến nhà đầu tư bị "bịt mắt dò đường" và nhiều người đã bị "rơi hàng" trong phiên buổi sáng do lo ngại thị trường gặp rủi ro trong bối cảnh hoạt động chốt lời gia tăng cũng như hệ thống không nhận lệnh.

Đến phiên chiều, dòng tiền đổ vào HSX nâng lên 25.458,28 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 737,17 tỷ đồng. Có thể thấy, nếu như hệ thống HSX hoạt động trơn và mượt hơn, chắc chắc con số sẽ không chỉ dừng lại ở mức này và còn có thể chinh phục những kỷ lục mới.

HNX thu hút 4.359,36 tỷ đồng giải ngân, khối lượng giao dịch đạt 186,21 triệu đơn vị; UPCoM có 107,06 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.898,09 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 31.715,73 tỷ đồng. Có thể nói chưa khi nào tiền vào chứng khoán lại hùng hậu đến như vậy!

Người người đổ xô đầu tư, tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có - 2

HPG là "vua thanh khoản" của phiên hôm nay (Ảnh chụp màn hình).

HPG của Hòa Phát là tâm điểm của thị trường trong hôm nay khi khối lượng giao dịch tại mã này lên tới 60,3 triệu cổ phiếu. Đây là phiên giao dịch không hưởng quyền để chốt cổ tức 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu với HPG.

Trong ngày mai (1/6), Hòa Phát chốt danh sách cổ đông và trong ngày 11/6 sẽ thanh toán 1.657 tỷ đồng cổ tức tiền mặt; tháng 6, tháng 7 sẽ phát hành mới 1,16 tỷ cổ phiếu HPG.

Do đây là ngày giao dịch không hưởng quyền nên cổ đông HPG bán ra cổ phiếu vẫn nhận được cổ tức. Lực bán rất mạnh nhưng lực cầu vẫn chiến thắng, đẩy giá cổ phiếu tăng trần lên 52.700 đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền tiếp tục ưu ái nhóm cổ phiếu ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán) và cổ phiếu dầu khí. Một số cổ phiếu cũng có thanh khoản cao là STB khớp 42,13 triệu cổ phiếu; SHB khớp 40,92 triệu cổ phiếu; BSR khớp 35,55 triệu cổ phiếu; VPB khớp trên 33 triệu cổ phiếu…

Không một mã cổ phiếu chứng khoán nào giảm, tất cả đều tăng "bung nóc". Đây là điều dễ hiểu khi thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì mức cao, các doanh nghiệp trong ngành này sẽ hưởng lợi đầu tiên từ phí giao dịch và dịch vụ cho vay ký quỹ…

AGR, CTS, VIX, ART, IVS, MBS, BSI, BVS, SBS, AAS, ORS đóng cửa giá kịch trần, không hề có dư bán, dư mua giá trần lớn. Bên cạnh đó, SHS tăng 8,6%; VND tăng 8%; VCI tăng 6,7%; SSI tăng 6,2%; HCM tăng 4,8%...

Người người đổ xô đầu tư, tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có - 3

Cổ phiếu ngành chứng khoán tăng "bung nóc (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu ngành ngân hàng giữ nhịp tốt. VBB, PGB, BVB và LPB tăng kịch trần; ABB tăng 12,6%; NVB tăng 8,4%; BAB tăng 6,7%; VIB tăng 6,5%; KLB tăng 4,2%; TPB tăng 3,7%; CTG tăng 3,7%; MSB tăng 2,8%; OCB tăng 2,3%...

Người người đổ xô đầu tư, tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có - 4

Cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục níu giữ dòng tiền (Ảnh chụp màn hình).

Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 7,59 điểm tương ứng 0,57% lên 1.328,05 điểm; HNX-Index tăng 7,4 điểm tương ứng 2,38% lên 317,85 điểm và UPCoM-Index tăng 2,66 điểm tương ứng 3,09% lên 88,77 điểm.

Mặc dù vậy, thống kê cho thấy trên toàn thị trường vẫn còn có 503 mã giảm giá, 30 mã giảm sàn so với 425 mã tăng, 66 mã tăng trần. Nói cách khác, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, "kẹp hàng" trên vùng đỉnh mọi thời đại của thị trường.