Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH Thái Hương:
Người lữ hành bền bỉ trên con đường minh bạch thị trường sữa
Suốt 5 năm trời, người phụ nữ bé nhỏ ấy đã kiên trì lên tiếng ở hàng trăm cuộc họp của các bộ ngành, đặc biệt là các cuộc họp của Bộ Y tế đấu tranh làm rõ tên gọi sữa để người tiêu dùng lựa chọn. Với bà, mọi khái niệm đều phải minh bạch vì người tiêu dùng, vì sự phát triển của ngành sữa
Thắng lợi dành cho người tiêu dùng
Bộ Y tế vừa chính thức công bồ thông tư số 03/2017/TT-BYT ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5:1-2017/BYT- sửa đổi QCVN 5:1-2010/BYT). Trong quy chuẩn sửa đổi này, 4 khái niệm sữa tươi được ghi rõ: sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi), sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi (có thành phần 90% trở lên là sữa tươi) và sữa tươi tách béo.
Đặc biệt, tên gọi “sữa tiệt trùng” được gọi đúng tên là sữa hoàn nguyên (sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột); sữa hỗn hợp (sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu và sữa bột, có thể bổ sung các thành phần khác…)
Vậy là với Thông tư này, “nữ tướng” ngành sữa- bà Thái Hương đã hoàn thành tâm nguyện suốt 5 năm qua yêu cầu chữ “minh bạch” cho sản phẩm sữa. Sự đấu tranh không ngừng nghỉ của bà đã kết thúc có hậu với thắng lợi- theo bà – chính là thắng lợi dành cho người tiêu dùng. Vượt qua bao gian nan, bà bền bỉ đi trên con đường này- con đường mà sau đó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các Bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp ngành sữa.
Còn nhớ, tập đoàn TH và bà Thái Hương ra mắt sản phẩm sữa TH true MILK tháng 10/2010 thì tới tháng 12/2012, bà đã có văn bản kiến nghị gửi thẳng lên Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an. Thời điểm đó bà đã nêu thực tế tên gọi “Sữa tiệt trùng” quy định trong QCVN 5:1-2010/BYT thực tế là sữa bột pha lại nhưng cách gọi nhập nhèm khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là sữa tươi.
Khái niệm sữa dạng lỏng được định nghĩa rõ ràng, minh bạch sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn
Bà Thái Hương khẳng định, thị trường sữa Việt Nam khởi phát và đã định vị bằng sữa pha lại (sữa hoàn nguyên) từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có sữa bột nhập từ Trung Quốc. Tại thời điểm năm 2008- trong “cơn bão” sữa nhiễm Melamine gây bệnh sạn thận ở Trung Quốc, thì tại Việt Nam tỷ lệ sữa nước được sản xuất theo cách thức dùng sữa bột nhập khẩu pha lại (hoàn nguyên) là 92%. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%
70% là một tỷ lệ rất cao và đó là một thực tế hết sức nghịch lý của thị trường sữa Việt Nam khi so sánh với các thị trường sữa tại các nước tiên tiến trên thế giới đang tiêu dùng chỉ khoảng 3% sữa bột công thức và 97% sữa tươi, sản phẩm sữa được sản xuất từ sữa tươi. Đáng lưu tâm hơn là Việt Nam hiện phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập sữa bột nguyên liệu.
Thế nhưng, 7 năm qua, thực tế này không được cải thiện vì người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột. Vì thế, bà luôn đau đáu đấu tranh cho minh bạch tên gọi sữa bởi theo bà, tính minh bạch là nền tảng cốt lõi cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi, bảo vệ cơ sở sản xuất chân chính và bảo vệ nền kinh tế và lợi ích chung toàn xã hội.
Vì lợi ích chung, bà kiên trì đưa ra kiến nghị nhằm minh bạch hóa thị trường sữa, trong đó có 2 yêu cầu cơ bản nhất cần đạt được là: Doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm và Cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, và phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường và xử lí nghiêm ngặt khi có vi phạm.
“Trả lại tên cho … sữa”
Vì một thị trường sữa minh bạch, bà đã không mỏi mệt tham dự nhiều cuộc họp bàn về phát triển ngành sữa và lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này. Tiếng nói của bà đã được Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội lắng nghe, thực hiện giám sát chuyên đề về sữa dạng lỏng. Kết luận giám sát cho thấy những phản ánh/kiến nghị của bà là hoàn toàn chính xác.
Trước thực tế mới của ngành sữa, Bộ Y tế đã có động thái sửa đổi QCVN 5:1-2010/BYT. Từ đó lại tiếp tục những bước đi không mệt mỏi của bà mẹ 3 con luôn muốn sự rõ ràng,minh bạch để tất cả các bà mẹ ở Việt Nam có thông tin đầy đủ lựa chọn loại sữa phù hợp cho những đứa con thân yêu của mình. Người ta thấy bà xuất hiện ở Hội thảo lấy ý kiến của Bộ Y tế tháng 4/2016, tháng 7/2016 cùng các cuộc họp chuyên đề, cuộc họp giám sát khác.
Bà từng phát biểu: “Người tiêu dùng rất thông minh nhưng QCVN cứ dùng khái niệm tiệt trùng và thanh trùng làm tên gọi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn tất cả sữa dạng lỏng là từ sữa tươi. Hôm nay chúng ta cần làm rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa bột ra sữa bột để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và những nhà kinh doanh chân chính”.
TH true MILK là thương hiệu sữa tươi sạch tại Việt Nam tiên phong ghi rõ nguyên liệu đầu vào là sữa tươi từ trang trại TH
Mới đây nhất, trong Hội thảo lấy ý kiến lần cuối với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, vẫn khí chất ngùn ngụt của “nữ tướng” ngành sữa bà đặt câu hỏi: “Vì sao toàn nhà khoa học mà lại để nhãn mác gây nhầm lẫn như vậy, hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn gây nhầm lẫn tới 7 năm thì sao người tiêu dùng phân biệt được”. Bà tiếp tục phân tích về từ ngữ: “Thanh trùng và tiệt trùng chỉ là giải pháp công nghệ, điều quan trọng là phải có tên gọi chính xác về nguyên liệu sản xuất đầu vào để người tiêu dùng biết và lựa chọn”.
Kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh bền bỉ ấy là sự minh bạch- rạch ròi. Tên gọi “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn đã được gọi đúng tên là “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp”. Bà bày tỏ: “Tôi thấy QCVN sửa đổi đã chia đúng 2 nhóm sữa tươi và sữa bột pha lại. Tuy nhiên, việc phân chia tên gọi “sữa tiệt trùng” mới chỉ trả lại 70% tên gọi chính xác, lẽ ra cần có thêm tên gọi sữa pha lại thì sẽ chính xác hơn, phản ánh đúng thực tế thị trường sữa dạng lỏng.”
Theo bà, chất lượng sữa được quyết định bởi yếu tố nguyên liệu đầu vào hơn là công nghệ chế biến, bởi vậy yếu tố sữa bột hay sữa tươi và quy trình chăn nuôi bò sữa như thế nào là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng. Vì vậy, ngoài làm rõ nguyên liệu chế biến trên bao bì, QCVN lần này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tỷ lệ các thành phần bổ sung để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
“Điều quan trọng là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm cần được biết rõ nguyên liệu, nguồn gốc xuất xứ có được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu”- nữ tướng ngành sữa chia sẻ.
Bà cũng trải lòng, QCVN sửa đổi sẽ khích lệ sản xuất sản xuất sữa tươi trong nước, đẩy lùi vấn nạn mất an toàn thực phẩm, xâm hại tới sức khỏe cộng đồng. Bà nhấn mạnh: “Quy chuẩn đã ban hành thì cần có kiểm soát, đặc biệt những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em thì sẽ phải nâng mức kiểm soát cao hơn nữa. Ví dụ như sữa học đường, cần phải có Luật về Dinh dưỡng học đường/sữa học đường để 20-30 năm sau, chúng ta có những thế hệ cao lớn, khỏe mạnh. Đừng đánh mất cơ hội vàng của con trẻ”
Theo bà Thái Hương và tập đoàn TH, QCVN sửa đổi sẽ góp phần giải quyết những vấn đề then chốt trong thị trường sữa, cụ thể là:
1. Minh bạch thị trường sữa, tên gọi sữa, giúp sản phẩm sữa Việt Nam hội nhập quốc tế;
2. Bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin và minh bạch thông tin về sản phẩm của người tiêu dùng và các quyền lợi khác của người tiêu dùng;
3. Bảo vệ nông dân, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Đây cũng là định hướng mà Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo triển khai. Việc này hoàn toàn hỗ trợ cho kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò sữa và các mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa tươi (1 tỷ lít vào năm 2020 và 1,4 tỷ lít vào năm 2025) của Chính phủ;
4. Bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài: Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi 23.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại, dẫn tới nhập siêu rất lớn. QCVN sửa đổi sẽ giúp phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngành sữa tránh khỏi tác động của những biến động bất lợi từ thị trường quốc tế thông qua các biện pháp phi thuế quan.
Nguyên Lê