Người lao động sẵn sàng đối chất với Công ty Woori

(Dân trí) - Sau khi đại diện Công ty chứng khoán Woori khẳng định việc họ giữ bằng, giữ tiền cọc, không thanh lý hợp đồng lao động hết hạn là đúng, nhiều người lao động lên tiếng sẵn sàng ra tòa đối chất với Woori CBV.

Tại buổi làm việc mới đây với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Thu Hạnh - Giám đốc Hành chính nhân sự của Công ty chứng khoán Woori CBV này rằng người lao động vi phạm quy định nội bộ của công ty này khi đơn phương nghỉ việc, không hợp tác với công ty khi được triệu tập Hội đồng kỷ luật...

“Công ty chúng tôi không vi phạm Luật Lao động. Việc đặt cọc tiền và bằng Đại học gốc có thỏa thuận và cam kết trước khi được tuyển dụng. Đây là quy định của công ty nên không riêng nhân viên mà Tổng Giám đốc là cổ đông của công ty cũng tự nguyện cam kết và đã đặt cọc bằng gốc, tiền.

Những nhân viên đó tự ý nghỉ việc và không giải trình được những số liệu kế toán lưu trữ tại công ty nên chúng tôi buộc phải giữ bằng và tiền đặt cọc của họ để làm rõ” - bà Hạnh cho hay.

Ngược lại, nói về cách trả lời này Woori CBV, nhiều người lao động tỏ ra bức xúc và cho biết sẵn sàng ra tòa đối chất với Woori CBV.

Chị Tạ Thanh Huyền cho hay: “Tôi gửi đơn xin thôi việc và đã được chấp thuận, bản thân tôi đã bàn giao đầy đủ theo yêu cầu của công ty này, họ cũng hứa là sẽ trả lại tài sản cho tôi sau 3 tháng với lý do Công ty đang trong quá trình kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi nghỉ việc, tôi đã nhiều lần liên lạc với Woori CBV để yêu cầu trả lại tài sản nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Công ty yêu cầu tôi giải trình những sai sót dẫn đến chênh lệch số liệu trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, tôi không chấp nhận vì tôi không còn là nhân viên của Woori CBV đã 23 tháng, nên công ty không có quyền yêu cầu tôi phải giải trình bất kỳ số liệu nào”.

“Hơn nữa, các công việc của tôi trước đây, để thực hiện được trên hệ thống giao dịch phải có chứng từ gốc, sau khi tôi thực hiện cấp trên của tôi còn có cấp kiểm soát phòng, Giám đốc phòng. Khi tôi vẫn còn làm ở công ty, sau khi chốt số liệu để thực hiện kiểm toán tôi chưa hề nhận được văn bản nào phản ánh về việc tôi làm sai lệch số liệu trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. Công ty cũng chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ bằng văn bản nào có xác nhận tôi đã làm sai trong quá trình thực hiện nghiệp vụ” - chị Huyền chỉ rõ.

Đối với anh Nguyễn Đức Tùng, Woori CBV khẳng định anh đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tự ý nghỉ việc, anh Tùng cho biết: "Ngày 01/06/2010 tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc cho Ông Vũ Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Woori CBV. Tuy nhiên, đến tận ngày 01/07/2010 hợp đồng lao động của tôi với công ty đã hết nhưng công ty không đưa người vào nhận bàn giao công việc.

Tôi nộp đơn xin nghỉ không lương 1 tháng để đưa con đi chữa bệnh nhưng trong suốt 1 tháng đưa con đi chữa bệnh hàng ngày tôi vẫn phải về công ty để ký các chứng từ liên quan mà công ty vẫn không đưa người vào nhận bàn giao công việc của tôi để tôi được nghỉ việc khi đã hết hợp đồng lao động rất lâu. Ngày 15/08/2010 hết thời gian nghỉ không lương 1 tháng nhưng công ty vẫn không đưa người vào nhận bàn giao công việc của tôi nên tôi không đến công ty nữa".

“Tôi đã hết hợp đồng lao động từ lâu, không có ràng buộc nào về lao động với công ty nữa nên công ty cũng không có quyền yêu cầu tôi lên công ty để tham dự 1 cuộc họp mà công ty tự triệu tập. Woori CBV cố tình gây khó dễ cho tôi trong việc giải quyết đơn xin nghỉ của tôi trong khi hợp đồng lao động của tôi ký với công ty đã hết hiệu lực rất lâu. Công ty Woori CBV đã vi phạm Luật lao động và Luật Kế toán” - anh Tùng khẳng định.

Ngoài ra, nhiều lao động khác cùng “tố” CBV là Nguyễn Thị Thơm, Lê Đăng Ngọc, Hồ Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Thu Hằng... cũng khẳng định Công ty Woori CBV có nhiều sai phạm và họ sẵn sàng đối chất với Woori CBV để làm rõ trắng đen.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
 
Quỳnh Anh