1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng

(Dân trí) - Nghĩa là dù có gửi 100 triệu đồng hay 100 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ chi trả cho người gửi tiền 75 triệu đồng. Dù vậy, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên so với con số 50 triệu đồng trước đây.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên sau hơn 1 thập kỷ giữ nguyên (ảnh minh họa).
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên sau hơn 1 thập kỷ giữ nguyên (ảnh minh họa).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 21 năm 2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017. Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, đối tượng áp dụng bao gồm những người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Nghĩa là dù có gửi 100 triệu đồng hay 100 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ chi trả cho người gửi tiền 75 triệu đồng.

Mặc dù, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được nâng lên so với con số 50 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 109 ngày 24/8/2005.

Việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi sau hơn 11 năm giữ nguyên diễn ra trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tổng số tiền bảo hiểm hiểm đã có nhiều biến động.

Theo một số liệu được đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề cập tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều ngày 9/6, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân gửi vào ngân hàng hiện đã đạt trên 6 triệu tỷ đồng - gấp 1,2 lần GDP, giúp cho ngân hàng có được nguồn vốn đáp ứng được cho nền kinh tế với độ sâu lên đến 122%, tức là dư nợ tín dụng trên GDP.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm