Người giàu nhất châu Á sắp gia nhập "câu lạc bộ 100 tỷ USD"
(Dân trí) - Người giàu nhất châu Á - tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani - sắp gia nhập câu lạc bộ những tỷ phú có tài sản từ 100 tỷ USD trên thế giới.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của Tập đoàn Reliance Industries - công ty chính của tỷ phú Ambani - đã tăng mạnh trong phiên 3/9 giúp giá trị tài sản ròng của ông tăng thêm 3,7 tỷ USD lên 92,6 tỷ USD.
Với mức tài sản này, tỷ phú Mukesh Ambani hiện là người giàu nhất châu Á và giàu thứ 12 thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tài sản của nhà tài phiệt Ấn Độ đang bám sát "bà trùm" ngành mỹ phẩm Pháp Francoise Bettencourt Meyers - chủ hãng L'Oreal - người đang đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Bloomberg với khối tài sản 92,9 tỷ USD.
Cả hai sắp trở thành những thành viên hiếm hoi của câu lạc bộ tỷ phú có tài sản 100 tỷ USD trở lên. Hiện các tỷ phú nằm trong Top 10 người giàu nhất thế giới là thành viên của câu lạc bộ này.
Bước đột phá này của ông Ambani là nhờ sự tăng vọt của cổ phiếu Reliance Industries sau khi ông tuyên bố công ty sẽ "tích cực" theo đuổi việc sản xuất năng lượng sạch hydro xanh với chi phí rẻ hơn. Cổ phiếu của Tập đoàn Reliance Industries giao dịch trên sàn chứng khoán Mumbai đã tăng 4,1% lên mức kỷ lục trong phiên cuối tuần hôm 3/9.
Ông Ambani nổi tiếng với những đột phá trong các lĩnh vực kinh doanh mà ông tham gia. Công ty viễn thông của ông đã trở thành người thống trị trên thị trường Ấn Độ.
Trong khi đó, mảng kinh doanh kỹ thuật số của ông cũng đang được mở rộng nhờ sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư như Facebook. Đồng thời, mảng lọc dầu của Reliance đang được tập đoàn dầu lửa Saudi Aramco mua lại cổ phần trong một thỏa thuận trị giá tới 25 tỷ USD.
Trong năm nay, ông Ambani cũng vừa công bố một kế hoạch đầy tham vọng đó là đầu tư 10 tỷ USD vào năng lượng sạch, đánh dấu một bước ngoặt mới của công ty có giá trị lớn nhất Ấn Độ.
Đáng chú ý, mục tiêu này của ông Ambani lại phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc chống lại sự biến đổi của khí hậu và cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ với tư cách là nước tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới.