1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người đi tìm gia vị của cuộc sống

“...Đôi khi, thành công phụ thuộc vào một cái gì đó bên trong mỗi chúng ta, không phải là kết quả của việc nhiều tiền bạc, khả năng hô hào hay bằng cấp".

Đây là lời nói đầu của cuốn sách mà rất có thể bạn sẽ nghĩ rằng nó giống cuốn tự truyện hay chia sẻ kinh nghiệm làm ăn gì đó của một doanh nhân thành đạt. Nhưng không…

“Sắm bình bền chắc trước khi cắm hoa”…

Không quá cầu kỳ và cũng không quá phức tạp như thế.

Cuốn sách mang tên "Sáng tạo không giới hạn trong Kinh doanh" này gần như một cuốn tản văn hay hơn như thế một chút. Tác giả cuốn sách là Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, một doanh nhân được mệnh danh là "vua xuất khẩu hồ tiêu" của Việt Nam (VN). Một con người hồ hởi giản dị dễ thương. Suy nghĩ hiện đại táo bạo phóng khoáng. Anh kinh doanh giỏi, nhạy bén với kinh doanh, dám nghĩ dám làm, từ tay không lập nghiệp mà làm nên vị trí vua xuất khẩu hồ tiêu số 1 Việt Nam.

Tôi đọc bản thảo cuốn sách của anh với hai tâm trạng: Tâm trạng dè dặt của một người từng nhiều năm cầm bút và làm biên tập, và tâm trạng tò mò thán phục của một người chưa từng bán nổi một ly trà đá chứ nói gì đến xuất khẩu hàng trăm triệu USD. Cuốn sách có ba phần: Câu chuyện kinh doanh. Gia đình và những người anh gặp cùng những chuyến đi. Và phần phụ lục là những bài báo viết về anh.

Người đi tìm gia vị của cuộc sống - 1

Tôi thích phần câu chuyện kinh doanh của anh. Nó thấm đẫm mồ hôi nước mắt và sự lo âu, quyết đoán, nó có những con số 0 cay đắng, có dấu âm trừ kinh hoàng và có những dãy số hàng trăm triệu kim ngạch xuất khẩu chói lọi của người con đất Cảng tuổi mới nhích qua con số 40. Anh viết chân thành như anh nghĩ và bằng cách viết của một người có thói quen ghi chép, hay dùng tiếng Anh, giỏi tiếng Anh, luôn chú ý sắm được cái bình bền chắc trước rồi mới cắm hoa đẹp vào. Thế hệ của anh sinh ra đúng vào năm đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, cái mới đến mà chưa kịp khẳng định, mọi thứ đều mới mẻ ngỡ ngàng và cũng không ít xáo trộn trong tâm tư tình cảm cũng như cách làm ăn kinh tế. Anh là người dám vứt bỏ cái cũ, thoát ra cái vòng ràng buộc kim cô của cách làm bao cấp quốc doanh (mà đến nay không ít người vẫn muốn bám chặt vào đó).

Tôi nhớ cách đây chừng chục năm, khi có một nhà báo phỏng vấn Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Singapore về bí quyết thành công vươn lên thành con rồng châu Á, thì Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trả lời đó là nhờ đầu tư vào giáo dục và Tiếng Anh cho thế hệ trẻ. Trong cuốn sách của mình, Phan Minh Thông cũng chia sẻ điều ấy. Anh nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam thất bại vì ... không có tiếng Anh. Họ làm việc qua thư ký, phiên dịch, không dám tiếp xúc, ngại tranh luận đàm phán, chưa làm đã sợ, luôn có cảm giác nhược tiểu trước đối tác.

Thêm nữa là tư duy bóc ngắn cắn dài, sợ thất bại, không biết làm thương hiệu, lo cho bản thân quá nhiều trước khi lao vào thương trường... đã làm các doanh nghiệp VN mất đi nhiều thế mạnh ngay chính trên quê hương khá giàu có tiềm năng nguyên liệu và nhân công của mình. Tôi đọc những câu chuyện kinh doanh của anh mà cũng nhiều khi muốn lên huyết áp với các mẩu chuyện đi đàm phán, đi đòi nợ và bị nợ đòi, bị trả lại hàng, bị thói vô cảm và phải làm quen với ma trận luật và lệ trong thương trường rất thiếu đồng bộ ở đất nước này. Tuy nhiên anh viết tất cả những kinh nghiệm kinh doanh thành công ấy bằng những câu chuyện cụ thể, bình tĩnh, sẻ chia, không khoe khoang và không lên án, không hằn học ám chỉ những thói hư tật xấu của cái " thương trường cũng như chiến trường" này.

“Hết mình trên hành trình đi tìm gia vị cuộc sống”…

Con người từng bao phen "lăn ra ốm" khi không đòi tiền nợ được, đồng nghĩa là chịu mất trắng hàng chục tỷ, sau này bằng sự kiên trì nhẫn nại hiếm thấy và sự quyết đoán táo bạo khó tin ấy, đã đầu tư khép kín sản phẩm đầu vào đầu ra, xây được thêm nhà máy để sản xuất hồ tiêu sạch, lại còn chen chân vào xuất khẩu cà phê và tiến tới triển khai nhiều sản phẩm thuộc ngành gia vị khác. Tôi thích những bài như: No.1 và chuyện kinh doanh hạt tiêu; Ngọt đắng vị cà phê; Có một thời cơm dừa sấy khô; Học nói “Yes” và “No”, Đi hội chợ lớn nhất hành tinh; Ai phải cảm ơn; Tôi đi…đòi nợ; Thoát lừa 3 triệu đô; Chuyển khẩu - Tư duy mới về xuất khẩu; Duyên nợ VCB.

Tôi thích vì đọc đâu thấm đấy và càng hiểu vì sao chúng ta nên có Ngày doanh nhân VN để tôn vinh những người làm giàu đẹp cho đất nước.

Cuốn sách của Phan Minh Thông giàu chất tản văn hơn khi viết về những câu chuyện gia đình, chuyện người phụ nữ, chuyện về những chuyến đi du lịch. Anh là dân học ngoại thương nên viết văn là nghề tay trái .và vì là dân kinh doanh nên nhìn đâu cũng rút ra những ý tứ, kinh nghiệm, những bài học bổ ích làm giàu cho nghề nghiệp của mình. Đối với người viết văn thì viết văn là để truyền đạt chứ không phải để gây ấn tượng. Và theo tiêu chí này thì Phan Minh Thông cũng ít nhiều thành công.

Còn phần hai của cuốn sách là những món quà của cuộc sống anh đã thừa hưởng sau những năm tháng "đổ mồ hôi sôi nước mắt" với cái mặt hàng gia vị hạt tiêu bé nhỏ mà thơm cay này. Đó là phần Suối nguồn sáng tạo: Phụ nữ Việt; Mua và chơi tranh; Có những niềm riêng; Cuối năm ngồi lại; Nhật ký hành trình: Đi dĩ nhiên là gặp; Sigapore, nơi chưa bao giờ mê đắm; Hồng Kong - Thiên đường một thuở.

Người đàn ông này từng đã cố gắng có một chuyến đi du lịch cùng gia đình không dính líu đến chuyện hạt tiêu, nhưng rồi những thương vụ lại giành giật anh ra khỏi ngày nghỉ. Người ta giải tỏa áp lực bằng chơi golf, tennis, anh tìm đến nghệ thuật tao nhã là chơi tranh và viết văn. Các ý tưởng xếp hàng đến với anh sau những cuộc tiếp xúc đối tác tưởng như vô tận. Cửa đã mở và anh không còn cơ hội dừng lại, có chăng là một thoáng nghỉ tay để viết cuốn sách này.

Tôi bất ngờ và đặc biệt chú ý phần anh viết về "chơi tranh và bán tranh" và muốn nói rằng nếu không hiểu con người yêu nghệ thuật hội họa trong anh thì có lẽ là chưa hiểu hết anh, người đã biết thế nào là hương thơm và chất cay của mặt hàng "bé hạt tiêu" mà ít ai đầu tư dù nó luôn có mặt trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Phan Minh Thông không muốn bức tường doanh nghiệp đồ sộ của mình thiếu vắng những bức tranh nghệ thuật và giá trị. Anh yêu tranh nên bỏ tiền mua tranh. Nhưng anh cũng yêu tranh để biết từ chối bán tranh khi có ai đó dòm ngó ngả giá bức tranh quý trong bộ sưu tập. Và nay anh lại có thêm cuốn sách nhỏ này trong hành trang của mình, điều đó cho thấy anh là người luôn sống hết mình để đi tìm và làm giàu thêm Gia vị của cuộc sống.

“Anh viết chân thành như anh nghĩ và bằng cách viết của một người có thói quen ghi chép, hay dùng tiếng Anh, giỏi tiếng Anh, luôn chú ý sắm được cái bình bền chắc trước rồi mới cắm hoa đẹp vào”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân