Người đàn ông chỉ tiêu 180.000 đồng để mua thức ăn cả năm 2017
(Dân trí) - Một người đàn ông chỉ chi 8 USD (tương đương khoảng 180.000 đồng) để mua thực phẩm cho cả năm 2017.
Cụ thể, Daniel, người Singapore, là một người chuyên dùng đồ thừa. Anh vẫn hay đi nhặt nhạnh những thực phẩm ăn được và đồ dùng có thể dùng được trong rác thải.
Tuy nhiên, người đàn ông 38 tuổi này cũng là một người ăn chay lên án chủ nghĩa lãng phí và ủng hộ việc giảm thiểu chất thải để bảo vệ môi trường (freegan).
Anh nói: “Một người sử dụng đồ thừa đúng nghĩa là một người chi tiêu rất ít tiền, và cố gắng để có được mọi thứ miễn phí”.
Mỗi tháng, Daniel chỉ chi tiêu cho những thứ cần thiết như hóa đơn điện nước, đầu tư và thế chấp.
Đáng nói, trong khi anh ấy mua thức ăn cho thú cưng là chú mèo mà anh đang nuôi, anh lại hiếm khi mua thực phẩm cho mình.
Trên thực tế, năm ngoái anh chỉ chi tổng cộng 8 USD cho thực phẩm.
Bên cạnh đó, những người hàng xóm của Daniel cũng cảm thấy hạnh phúc hơn khi cho anh thức ăn mà họ chỉ có thể vứt đi và thậm chí cảm ơn anh vì đã giúp họ tránh lãng phí.
Từ đó, đều đặn mỗi ngày, họ thay nhau treo những túi đồ ăn không còn dùng đến vào cửa nhà Daniel.
“Sáng nào cũng vậy, khi tôi thức dậy thì đã thấy thực phẩm được treo bên ngoài cửa hàng ngày”, anh nói.
Tuy nhiên, Daniel cũng có thể thu thập rất nhiều loại rau và trái cây từ thùng rác đến nỗi anh không sử dụng hết. Do đó, anh ta đã tặng chúng cho hàng xóm, bạn bè và gia đình.
Daniel cũng tìm thấy một loạt các đồ dùng cá nhân trong hoặc xung quanh các thùng rác trong năm qua.
Người đàn ông 38 tuổi này đã không chi bất kỳ khoản tiền nào cho các mặt hàng như dầu gội đầu, xà phòng, quần áo và giày dép.
Những đồ dùng khác như các vật dụng gia đình, bộ sạc di động, máy PlayStation 3 và thậm chí là tất hay đồ lót cũng được anh tìm trong thùng rác và sử dụng.
“Một người muốn trở thành người dùng đồ thừa và lên án chủ nghĩa lãng phí vì 3 lý do: muốn tiết kiệm tiền, muốn cứu người khác và muốn cứu trái đất. Động lực ban đầu của tôi là để có được những thứ miễn phí và tiết kiệm tiền. Bây giờ tôi không còn lo lắng về tiền nữa, tôi quan tâm đến việc giảm bớt sự lãng phí”, Daniel nói.
Do đó, mặc dù trước kia, anh phải đi bới rác hàng ngày, hoặc ít nhất là vài lần một tuần, nhưng bây giờ, thỉnh thoảng anh mới làm vậy bởi nhiều người đã biết đến anh là một người dùng đồ thừa nên họ thường xuyên đem đồ đạc không dùng đến cho anh.
Ngoài ra, với vai trò tích cực của mình trong chủ nghĩa dùng đồ thừa và chống lãng phí, Daniel cũng đã trở thành người phát ngôn cho phong trào này.
Hồng Vân (Tổng hợp)