Người dân đang phải mua vàng giá “trên trời”?!
(Dân trí) - Dù NHNN đã cho phép gia công 350.000 lượng vàng phi SJC thành vàng miếng SJC nhưng giá vàng trong nước vẫn không “hạ nhiệt” được như kỳ vọng. Người dân vẫn đang phải mua vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới quy đổi gần 3 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên chiều nay 8/10, giá vàng SJC tại Hà Nội được các cửa hàng vàng niêm yết quanh mức giá 47,68 triệu đồng/lượng (mua vào) - 47,84 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương đương mỗi chiều 50.000 đồng và 10.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng. Tại TPHCM, giá vàng SJC mua vào được doanh nghiệp vàng niêm yết thấp hơn, ở mức 47,54 triệu đồng/lượng còn giá bán ra tương đương với thị trường Hà Nội (47,84 triệu đồng/lượng).
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước hiện vẫn cao hơn 2,8 triệu đồng/lượng. Mức giá chênh này được tồn tại trên thị trường trong thời gian dài gần đây, thậm chí có thời điểm vàng lên “cơn sốt”, giá vàng trong nước còn cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì mức chênh lệch quá cao như vậy là có biểu hiện của tình trạng đầu cơ, thao túng và sự mất cân đối cung cầu trên thị trường. Để tạo sự ổn định trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công hơn 350.000 lượng vàng (tương đương 13 tấn vàng) từ các loại vàng móp, méo, vàng “phi” SJC.
Có thể thấy rõ kỳ vọng của NHNN trong việc bình ổn thị trường thông qua việc “bơm” 350.000 lượng vàng vào thị trường nhưng trên thực tế, đã 20 ngày trôi qua (kể từ thời điểm ngày 20/9, khi NHNN yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng), giá vàng trong nước vẫn biến động mạnh và luôn cao hơn vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, động thái “bơm thêm vàng vào thị trường” không mang lại nhiều giá trị trong bối cảnh hiện nay. Bởi theo lý giải của ông Long, số vàng trên là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị được gia công. Do đó, cung cầu trên thị trường hoàn toàn không có gì thay đổi, dẫn tới việc khó rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá như hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết số vàng móp méo của Công ty SJC đã gia công xong từ lâu. Còn tiến độ chuyển đổi vàng thương hiệu khác bị chậm vì phải qua khâu kiểm định từng miếng vàng nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn vàng miếng SJC. Như vậy, có thể hiểu rằng, một khi doanh nghiệp xin được giấy phép của NHNN để chuyển đổi từ vàng “phi” SJC sang vàng SJC đã lập tức có lãi tiền tỷ.
Theo tính toán từ các doanh nghiệp vàng, khi gia công, ngoài chi phí 50.000 đồng/lượng cho phía Công ty SJC, doanh nghiệp sẽ mất thêm tiền vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM để dập rồi lại vận chuyển số lượng vàng đó ra Hà Nội. Tính ra, tổng chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang vàng SJC chưa đến 100.000 đồng. Ví dụ, nếu doanh nghiệp gia công khoảng 10.000 lượng vàng “phi” SJC, với mức chênh lệch giá giữa vàng phi SJC và vàng SJC hiện khoảng 1 triệu/lượng, thì doanh nghiệp đã có thể lời khoảng chục tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, việc mà NHNN cần làm ngay trước khi cấp giấy phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC là tiến hành kiểm kê xem thực chất lượng vàng “phi” SJC tồn đọng của doanh nghiệp là bao nhiêu; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tự kiểm kê, chốt số lượng hàng tồn.
“Con số vàng phi SJC hàng tạ mà doanh nghiệp công bố để gia công thành vàng SJC thật khó hiểu. Cũng là một doanh nghiệp kinh doanh vàng, tôi biết rất khó có chuyện mua vàng phi SJC để dự trữ, ngoài thời điểm doanh nghiệp mua để “ém giá” rồi sau đó chuyển sang làm vàng nữ trang vì trọng lượng loại vàng phi SJC cũng tương đương với vàng 4 số 9”, ông Hải nói. Theo tính toán của ông Hải, nếu số lượng vàng phi SJC tồn kho 1 tạ, tương đương với giá trị 5 triệu USD.
An Hạ