1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Độc quyền gây ra sốt vàng?

Nếu giá trị của vàng ở nhiều nơi trên thế giới được đo bằng tuổi thì ở Việt Nam, tuổi vàng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang logo gì.

Sau khi tăng 320.000 đồng mỗi lượng vào cuối buổi chiều 4/10 thì ngay buổi sáng hôm qua (5/10), giá vàng trong nước lại tiếp tục tăng vọt, đạt mức 48,4 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ.
 
Thị trường bất thường

 

Thị trường bất thường

 

Theo giám đốc một công ty vàng, đó là dấu hiệu bất thường của thị trường vàng. Trước đây, giá vàng trong nước khi bắt đầu một ngày được thiết lập theo giá thế giới. Tuy nhiên, ngày hôm qua, mức giá được thiết lập dựa trên mức chênh lệch với giá vàng thế giới.

 

“Chẳng hạn, nếu mức chênh lệch hôm trước là 2,8 triệu đồng/lượng thì hôm sau sẽ lấy mốc này để tăng lên. Giá vàng trong nước tăng cao hơn giá thế giới là vì thế” - giám đốc này nói.

 

Ông còn so sánh, trước đây giá vàng thế giới biến động khoảng vài chục USD thì giá trong nước mới biến động như những ngày qua. Còn hiện nay, giá thế giới chỉ biến động vài USD thì vàng trong nước đã tăng thêm vài trăm ngàn đồng. Như vậy, ngay cả khi giá thế giới có giảm thì giá trong nước giảm rất chậm.

 

Chị Nguyễn Hoàng Anh, nhà ở quận 3 (TP.HCM), cho hay chị mua 50 cây vàng, lúc giá vàng 46 triệu đồng/lượng thì lời gần 50 triệu đồng. “Tuy nhiên, nay cộng cả gốc và lãi vẫn không mua được 50 cây vàng vì giá vàng trong nước gần như tách hẳn với giá thế giới” - chị nói.

 

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng SJC, giá vàng tăng nhưng người bán rất ít. Chỉ có những người đã bán thấy xu hướng giá vàng tăng nên cố mua cho bằng được.

 

Các chuyên gia khuyến cáo biến động bất thường của thị trường vàng có thể là cơ hội cho những người chơi “lướt sóng”. Với người dân thông thường, họ mua để tích lũy phòng khi vàng xuống giá. Năm ngoái, nhiều người đã xếp hàng mua vàng lúc giá lên 47-48 triệu đồng/lượng, sau đó giá vàng giảm về 43-44 triệu đồng/lượng.

 

Độc quyền nhà nước dẫn đến độc quyền DN?

 

Có một thực tế đáng quan tâm, theo TS Nguyễn Đại Lai - chuyên viên Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu giá trị của vàng trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì tại Việt Nam, tuổi vàng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang logo gì.

 

Bởi vậy, khi các NH phải hút vàng vào với khối lượng lớn để cân bằng trạng thái vàng, bù đắp thanh khoản thì lại dồn vào duy nhất một thương hiệu SJC. Hơn nữa, do lo sợ mất giá số vàng đang nắm giữ, người dân đổ xô đi bán vàng miếng của các thương hiệu ngoài SJC.

 

“Tất cả nguyên nhân này đã đẩy giá vàng SJC lên cao, hơn là theo quy luật lên xuống của giá thế giới” - ông Lai nói.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định số vàng 350.000 lượng vàng đang được SJC gia công chuyển đổi, ngoài vàng miếng cong vênh, móp méo còn có vàng của 17 đơn vị chuyển đổi. “Trong đó có 10 NH thương mại và bảy đơn vị khác. Các đơn vị này đã ký hợp đồng và được tiến hành chuyển đổi theo lịch của SJC” - ông Minh nói thêm.

 

Thế nhưng nếu các DN đều được cấp phép chuyển đổi thì tại sao giá vàng của một số thương hiệu phi SJC vẫn thấp hơn thương hiệu SJC, thậm chí thấp hơn tới 3,5 triệu đồng/lượng. Ví dụ vào lúc hơn 16 giờ hôm qua, trong khi vàng SJC bán ra 48,18 triệu đồng/lượng thì vàng Bảo Tín Minh Châu bán 44,8 triệu đồng/lượng, vàng AAA bán 46,6 triệu đồng/lượng. Vậy liệu người dân đang giữ vàng phi SJC có đang bị ép giá?

 

Cũng trong ngày hôm qua, một số thương hiệu vàng vẫn tiếp tục mua vàng phi SJC vào. Số vàng này nếu được chuyển đổi sẽ thành SJC, bán ra với giá trên 48 triệu đồng/lượng. Chỉ mất vài chục ngàn đồng phí chuyển đổi, vàng phi SJC sẽ đội mũ SJC và hưởng khoảng chênh lệch vài triệu đồng mỗi lượng. Như vậy có lẽ cuối cùng chỉ duy nhất người dân là thiệt thòi. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá thế giới quá cao như hiện nay nên có ý kiến cho rằng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng lại giao cho một DN sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng độc quyền DN.

 

 Nguồn cung thiếu đẩy giá vàng lên cao

 

Chiều 5/10, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, đã có cuộc trao đổi về các vấn đề nóng của thị trường vàng hiện nay:

 

Theo ông, nguyên nhân giá vàng biến động tăng vọt vài ngày qua là do đâu?

 

Hiện nay cung cầu trong nước rất căng thẳng, nguồn vàng đang thiếu, các NH đua nhau mua vào để cân đối thanh khoản, chạy đua trước thời điểm cấm huy động vàng sau 25/11. Bên cạnh đó, người dân thấy giá cả biến động nên đổ xô đi mua tạo nên hiệu ứng “nước lên giá lên”.

 

Giá vàng trong nước đang chênh hơn 3 triệu đồng so với giá thế giới, giá vàng phi SJC đang thấp hơn vàng SJC ở mức tương tự. Liệu có sự bất cập từ chính sách điều hành của NHNN và số tiền chênh lệch đó sẽ rơi vào tay ai, thưa ông?

 

Tôi cho rằng chính sách điều hành từ Nghị định 24 quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và Thông tư 12 cấm huy động vàng sau 25/11 đã tác động đến tâm lý của các DN, tổ chức tín dụng và khách hàng. Người tiêu dùng lo sợ và ồ ạt chuyển sang mua bán vàng SJC tạo ra cầu quá lớn. Từ đó giá vàng SJC được đẩy lên cao theo quy luật cung cầu thị trường, bản thân SJC không hề thao túng thị trường như một số người nhận định.

 

Còn giá vàng giữa các thương hiệu chênh nhau là điều dễ hiểu. Khi mà khách hàng đua nhau chuyển sang vàng SJC thì các thương hiệu khác chỉ biết cách giữ giá để lôi kéo khách hàng.

 

Nhiều người cho rằng giá vàng SJC cao hơn thương hiệu khác là do chi phí gia công, vận chuyển và phụ thuộc quá lớn vào SJC?

 

Tôi nghĩ không hẳn như vậy, hiện phí gia công vẫn 50.000 đồng/lượng, bản chất vấn đề là do nguồn cung vàng trong nước thiếu và tâm lý đám đông.

 

Để ổn định thị trường vàng, hiệp hội có đề xuất gì với cơ quan quản lý không?

 

Trong thời điểm này NHNN can thiệp vào thị trường là hợp lý nhất. Với mức chênh lệch giá cao như thế cần có bàn tay điều hành của Nhà nước về nguồn hàng, cho phép nhập khẩu để cung ứng thanh khoản cho các NH.

 

Theo Yên Trang - Trà Phương

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm