Vàng ơi, lên tới đâu?
Mặc dù giá vàng trên thị trường thế giới không biến động nhiều nhưng giá vàng trong nước hôm qua đã bất ngờ tăng hơn 300.000 đồng/lượng và chính thức vượt mốc 48 triệu đồng/lượng.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá vàng đã tăng gần 6 triệu đồng mỗi lượng. Trước đó, giá vàng bám trụ quanh mức 42,5 triệu đồng/lượng trong một thời gian khá lâu. Cùng với việc tăng giá nhanh, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế cũng bị kéo giãn, hiện giá vàng trong nước tính theo quy đổi vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Cuối giờ chiều, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 47,82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,14 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại hệ thống của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (SBJ), vàng SJC được niêm yết ở mức 48 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,2 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại hệ thống bán hàng của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng SJC đã ngừng giao dịch. Theo lý giải từ phía công ty, việc mua bán vàng SJC bị dừng lại là do thị trường biến động mạnh và chính sách chưa ổn định.
Trên thị trường thế giới, giá vàng trong phiên giao dịch ngày 3-10, dao động trong biên độ hẹp theo xu hướng tăng nhẹ. Hôm qua (4-10), giá vàng tiếp tục xoay quanh ngưỡng 1.780 USD/ounce trong buổi sáng, tuy nhiên đến cuối giờ chiều mức giá giao dịch có thời điểm đã vượt qua ngưỡng 1.790 USD/ounce và giao dịch xoay quanh ngưỡng này. Giá vàng quốc tế đã bước sang ngày tăng thứ 4 liên tiếp với bước tăng khá chắc chắn.
Việc giá vàng tăng mạnh khiến nhiều người phân vân trước các quyết định mua bán. Chị Thu Hòa - phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: “Khi giá vàng ở mức 47 triệu đồng/lượng thì nhiều người đã quyết định bán ra, tuy nhiên đến thời điểm này khi giá vàng tiếp tục tăng và xu hướng này trên thị trường thế giới vẫn chưa dừng lại nên tôi cũng lại băn khoăn trong việc chốt lời. Trong khi đó, nhiều người lại quyết định mua vào bất chấp việc giá tăng. Tôi cho rằng việc mua vào lúc này là khá mạo hiểm, bài học về giá vàng năm ngoái chắc chắn chưa cũ. Tôi biết có những người mua vào với giá gần 49 triệu đồng/lượng và phải bán ra ở mức 45 triệu đồng/lượng”.
Thị trường trong thế giằng co
Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, theo quan sát của nhóm khảo cứu thị trường, giá vàng vẫn ở mức cao khiến thị trường sôi động trở lại, lực mua và lực bán gần như ngang nhau. Thị trường vàng trong nước vẫn giằng co giữa hai xu hướng mua vào và bán ra chốt lời của giới đầu tư. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng thu gom vàng của các ngân hàng đang thắng thế. Đây cũng chính là nguyên do khiến giá vàng SJC luôn tăng cao hơn thế giới, dù nguồn cung ngày càng cải thiện. Chênh lệch giá vàng SJC và thế giới tiếp tục giãn rộng trên dưới 3 triệu đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, yếu tố tâm lý khiến nhu cầu trong nước tăng vọt. Dự báo giá vàng trong nước ngắn hạn sẽ tiếp tục có khoảng cách lớn với giá vàng thế giới nếu không nhận được sự hỗ trợ nguồn cung từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về giá vàng trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 cho biết, giá vàng biến động mạnh do tác động của giá thế giới và từ hiệu ứng chính sách về vàng của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, từ 25/11 Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấm dứt huy động, cho vay vàng nhưng lại chưa có thông tin cụ thể xử lý vấn đề liên quan tới vàng sau thời gian này như thế nào.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh từ 25/11, sớm công bố chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của người dân và các chủ thể khác như quyền, điều kiện huy động vàng hoặc giữ hộ vàng cho dân, chuyển nhượng, mua bán, cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước với thế giới. Bởi nếu thị trường vàng biến động làm thay đổi cân đối cung cầu về vàng sẽ tác động đến thị trường ngoại hối và gây biến động tỷ giá.
Nhận định: Có thể vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng?
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá vàng từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến theo xu hướng tăng là chủ đạo. Với chính sách ổn định tỷ giá tiếp tục được duy trì trong khi khả năng nhập vàng khó diễn ra để tránh nhập siêu thì giá vàng trong nước cũng có nhiều khả năng tăng.
Có nhiều mức dự báo được đưa ra như giá vàng thế giới có thể đạt 1.850 USD/once hay 1.900 USD/ounce, thậm chí là 2.000 USD/ounce (tương đương với mức giá trong nước lên tới trên 50 triệu đồng mỗi lượng chưa tính thuế và phí). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều vào cung tiền của Mỹ và châu Âu cũng như các diễn biến chính trị.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Xu hướng chung của giá vàng trong trung hạn sẽ diễn ra theo chiều hướng tăng, nhưng sẽ không tăng sốc như năm ngoái. Giá vàng khi đã tăng sẽ ít khi đi xuống, bên cạnh đó mức giá này còn phụ thuộc vào các gói kích cầu, nếu các gói kích cầu không hiệu quả thì giá vàng có thể tăng mạnh”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với giá vàng trong nước, khi giá vàng thế giới tăng mạnh thì mức tăng có thể cao hơn mức quy đổi nói trên nếu cung - cầu vàng không được cân đối. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn tới giá vàng trong nước. Mặc dù giá vàng trong xu hướng tăng nhưng nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ thời điểm mua bán, nhất là khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có mức chênh lệch. |
Theo Anh Tú
ANTĐ