1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người có nhu cầu mua nhà cần được vay tiền

(Dân trí) - Thị trường bất động sản (BĐS) đang trong cơn sốt bỗng đột ngột chuyển hướng ngay khi các ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng. Cho đến tận bây giờ thị trường vẫn "lình xình" bởi không có cơ chế giải quyết tài chính hợp lý.

Phát triển không chỉ vì nhu cầu của người dân

Theo các số liệu thống kê, diện tích nhà ở đô thị bình quân hiện tại của Việt Nam là 10,8 m2 (tại Hà Nội là 8 m2, TPHCM khoảng 10,6m2). Đây là mức rất thấp so với thế giới.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ nâng diện tích bình quân nhà ở lên 12m2/người, còn tại TPHCM là 14m2/người vào năm 2010 và lên tới khoảng 20m2/người vào năm 2020. Nhưng để đạt được kế hoạch này, theo tính toán của Bộ Xây dựng, hàng năm cần phải xây mới khoảng 30 - 32 triệu m2 nhà ở.

Với đặc thù là dân số trẻ và tỷ lệ dân cư đô thị còn thấp, xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị trong thời gian sắp tới tất yếu sẽ diễn ra mạnh mẽ, làm tăng mạnh nhu cầu về nhà ở tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Theo một số thống kê thì cư dân đô thị có thể lên đến 70 triệu người vào năm 2020.

Cùng với đó thì hiện nước ta có khoảng 25% nhà ở đô thị chưa đạt chuẩn cần phải làm mới và nâng cấp. Điều này lý giải vì sao nhiều chuyên gia dám khẳng định thị trường BĐS vẫn có tiềm năng rất lớn trong ít nhất vài thập kỷ tới.

Phát triển thị trường BĐS không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà nó còn tác động trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “BĐS là tài sản lớn của mỗi quốc gia, ở các nước tuy mức độ khác nhau nhưng thường chiếm trên dưới 40% lượng của cải vật chất. Các hoạt động liên quan đến BĐS chiếm tới 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

Với thị trường BĐS của Việt Nam, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng theo thống kê của Tổng cục Thuế, các khoản thu ngân sách có liên quan đến nhà, đất hàng năm thu trung bình khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 7% GDP”.

Ngân hàng chỉ nên hạn chế người mua đi bán lại

Nếu như so lãi suất cho vay thực hiện trong năm 2007 là 12% thì lãi suất cho vay hiện nay là 21%/năm đã làm tăng giá thành BĐS từ 5 - 10% (thậm chí cao hơn tùy theo tiến độ dự án).

Cùng với đó là giá đầu vào của vật liệu xây dựng, chi phí nhân công làm tăng từ 20 - 30% giá thành sản phẩm so với cùng kỳ 2007 khiến nhiều dự án bị kéo dài tiến độ hoặc bị đình hoãn.

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn không muốn cho doanh nghiệp BĐS vay vì tính thanh khoản của các dự án và sản phẩm nhà ở thấp. Hơn nữa với những dự án tương đối lớn, việc đền bù phải qua thương thảo với nhiều chủ đất nhưng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì chỉ được cấp khi doanh nghiệp thực hiện xong toàn bộ việc đền bù.

Do đó những thửa đất doanh nghiệp đã đền bù không thể trở thành tài sản có thể thế chấp vay ngân hàng mặc dù các doanh nghiệp đã phải bỏ tiền ra. Việc xây dựng cũng phải chờ dứt điểm đền bù nên doanh nghiệp không thể thực hiện việc triển khai cuốn chiếu từng phần dự án khiến việc đọng vốn rất lâu, vòng quay vốn chậm dẫn đến giá thành nhà ở cao, khó tiêu thụ.

Sự khó khăn của các doanh nghiệp càng nhân lên khi gặp rào cản về quy định chỉ được thực hiện huy động vốn khách hàng sau khi doanh nghiệp xây xong phần móng.

Và trong bối cảnh hiện nay, việc thắt chặt tín dụng cộng với tăng lãi suất quá cao không chỉ khiến ngân hàng gây khó dễ cho những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay mà ngay cả những doanh nghiệp và người có nhu cầu vay tiền mua nhà cũng chưa chắc dám vay vì sợ không chịu được lãi suất như hiện nay.

Theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để giải quyết bài toán trên, các doanh nghiệp cần tăng cường liên danh, liên kết để đầu tư dứt điểm từng phần của dự án, sớm thu hồi vốn, áp dụng công nghệ mới để giảm chi phí.

Các doanh nghiệp cũng nên hướng mạnh vào phân khúc thị trường BĐS có khả năng thanh toán (từ 500 triệu đến trên dưới 1 tỷ đồng). Đó cũng chính là loại nhà ở đang có nhu cầu lớn trong xã hội.

Về phía ngân hàng, thứ trưởng cũng đề nghị cần phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS xem xét tiếp tục cho vay, gia hạn đối với các dự án vay để đầu tư phát triển BĐS thiết yếu cho dân sinh và phát triển kinh tế. Chỉ nên hạn chế cho những người vay để mua đi bán lại BĐS kiếm lời làm méo mó thị trường, còn những người có nhu cầu thực sự vẫn cần cho vay để cải thiện nhà ở.

Lan Hương