Nghệ An:

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt giảm chưa từng có

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, thị trường không tiêu thụ được nên giá gà thịt giảm mạnh khiến người dân “điêu đứng” vì không có nguồn ra.

Người dân điêu đứng vì giá gà giảm mạnh.

Huyện Yên thành (Nghệ An) là một trong những huyện có tỷ lệ người chăn nuôi rất lớn. Hiện tại trên địa bàn toàn huyện có khoảng 3 triệu con gà thịt. Đã qua thời gian xuất chuồng nhưng không có nguồn ra buộc người chăn nuôi gà chấp nhận bán lẻ, nhưng lượng bán ra không đáng kể.

Suốt 2 tháng nay, ônh Nguyễn Hồng Chất (SN 1939) chủ trại nuôi 6000 con gà thịt tại xóm Đồng Nhân, xã Quang Thành, Yên Thành  lo lắng không yên vì giá gà giảm tụt dốc, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Theo ông Chất, mỗi ngày 6000 con gà này tiêu thụ hết khoảng 10 triệu tiền cám, 1000 lít nước … nhưng chỉ bán lẻ được  ít con.

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt  giảm chưa từng có - 1

Hàng nghàn con gà đã quá thời gian xuất chuồng nhưng vẫn không thể bán được.

“Đã đến ngày xuất chuồng thương lái chỉ trả 50 -60.000 đồng/ kg nhưng vẫn không có người mua. Gà đã quá ngày xuất chuồng 2 tháng nay nhưng không thể bán được trong khi đó giá thức ăn lại tăng nên chúng tôi cũng không biết  giải quyết như thế nào”, ông Chất lo lắng.

Cùng cảnh như gia đình ông Chất, gia đình anh Lê Văn Hưng ở xóm 6A, xã Tiến Thành, Yên Thành hiện nuôi gần 3 vạn con gà, trong đó 1,2 vạn con đã đến kỳ xuất chuồng gần 1 tháng nay.

“So với thời gian năm trước thì gia đình anh đã bán hết nhưng năm nay do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ nên số lượng 3 vạn con gà của anh đang phải dẫm chân tại chỗ. Đứng trước tình thế này, anh Hưng phải vay mượn tiền để tiếp tục đầu tư thức ăn, nhằm duy trì đàn gà”, anh Hưng chia sẻ.

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt  giảm chưa từng có - 2

So với cùng kỳ năm trước thì năm nay số lượng gà thịt đã đến thời kỳ xuất cuồng đang ứ đọng rất nhiều.

 "Giá gà nuôi theo hình thức bán thả đồi của anh từ trung bình là 80.000 đồng/kg nay giảm xuống 68.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua" - anh Hưng buồn rầu.

Ông Nguyễn Đình Đồng- Cán bộ nông nghiệp xã Quang Thành, Yên Thành cho biết: “Hiện tại trên địa bàn có khoảng 50.000 con gà thịt nuôi trang trại chưa tính số lượng gà nhỏ lẻ của dân nhưng đã 2 tháng nay không có nguồn tiêu thụ khiến nhiều hộ dân nuôi gà rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

 “Trên địa bàn xã hiện có 25 trại chăn nuôi gà quy mô trên 1.000 con, với tổng số gia cầm 450 nghìn con. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 toàn bộ trại gà trên địa bàn xã lâm vào cảnh ứ đọng”, ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết . 

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt  giảm chưa từng có - 3

Giá gà giảm mạnh trong khi đó giá thức ăn tăng khiến người dân điêu đứng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Dương- Trưởng phòng nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: “Nguyên nhân khiến giá gà thịt giảm và không tiêu thụ được là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, trên địa bàn huyện số lượng gà đã đến thời kỳ xuất chuồng rất nhiều nhưng không thể tiêu thụ khiến kinh tế của các hộ chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn”.

 Xã Diễn Trung huyên Diễn Châu là địa phương chuyên chăn nuôi gà thịt với số lượng lớn. Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung cho biết: “Từ khi Việt Nam xuất hiện ca dịch Covid đầu tiên đến nay khoảng hơn 1 tháng, giá gà thịt giảm sâu, từ 70.000 đồng xuống 45.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Hiện HTX có 37 trang trại chăn nuôi gà thịt, số gà đến kỳ xuất chuồng 60 vạn con, đang tình cảnh ế ẩm.

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt  giảm chưa từng có - 4

Không có thị trường tiêu thụ nên người dân phải bán lẻ qua mạng xã hội.

Nguyên nhân khiến gà thịt ế ẩm, giảm giá trong thời gian qua, theo ông Đậu Ngọc Hòa cho hay, do dịch Covid – 19, thị trường không lưu thông được, buộc người chăn nuôi gà chấp nhận bán lẻ, nhưng lượng bán ra không đáng kể.

Người chăn nuôi “điêu đứng” vì giá gà thịt  giảm chưa từng có - 5

Vì không thể tiêu thụ được nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT   tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Ảnh hưởng của dịch Covid–19, nhìn chung các mặt hàng nông nghiệp khó tiêu thụ, trong đó có gia cầm. Nguyên nhân, lượng tiêu thụ tại các thành phố giảm hẳn. Không còn cách nào khác, các trang trại, gia trại cố gắng duy trì đàn gà, khi dịch Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động trở lại bình thường, khi đó sức tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng đột biến, là cơ hội để tiêu thụ gà cho người chăn nuôi".

Nguyễn Tú