Ngược dòng về cây vải Tổ, khởi nguồn cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Từ cây vải Tổ có tuổi đời gần 150 năm tại Thanh Hà (Hải Dương), biết bao cây vải đã được nhân giống, đem lại cho người nông dân cuộc sống ổn định, khấm khá hơn.
Nguồn gốc cây vải Tổ
Về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà, Hải Dương), cây vải Tổ đã được cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành), sinh năm 1848 ươm trồng thành công bằng hạt từ năm 1870. Cho đến nay, cây vải đã gần 150 tuổi nhưng vẫn còn rất tươi tốt và hằng năm vẫn cho ra quả.
Người trông coi, chăm sóc cây vải Tổ do cụ Cơm trồng, chính là cháu đích tôn đời thứ 6 của cụ, ông Hoàng Văn Lượm.
Theo lời kể của ông Lượm: “Thời trai trẻ, cụ Cơm thường buôn bán hoa quả ra Hải Phòng. Trong một lần dự tiệc với người Hoa tại Hải Phòng, cụ Cơm được ăn thử vải ngon nên mang về ba hạt về ươm thử tại vườn nhà.”
“Do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, ba hạt đều nảy mầm thành cây, quả có hương vị thơm ngon đặc biệt. Nhưng vì nhiều lý do, chỉ còn 1 cây sống được, ra quả và tồn tại đến bây giờ. Chính từ cây vải Tổ đó, cụ Cơm đã chiết ra nhiều cây tặng bạn bè, rồi dần dần cây vải được trồng đi rất nhiều nơi khác”, ông Lượm cho biết thêm.
Ông Lượm còn cho biết: “Do quả vải này được hái từ cây vải có nguồn gốc Thiều Châu - Trung Quốc, nên được gọi tên là vải thiều.”
Năm 1958, Bác Hồ đã từng khen đây là loại quả quý, ăn ngon và khuyến khích nhân dân nên phát triển giống vải quý này. Hiện nay, diện tích vải thiều đã phát triển mạnh sang các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình…
Thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ cây vải
Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, lại hưởng lộc từ cây vải Tổ, hằng năm, cây vải tại Thanh Hà cho quả rất đều, ngon và ngọt nức tiếng gần xa.
Thời tiết năm nay tuy không thuận lợi, vải muộn bị mất mùa tới gần 70% diện tích nên vùng nào ở Thanh Hà trồng vải muộn thiệt hại khá nặng. Nhưng một số vùng trong huyện trồng vải sớm lại được giá, nên bà con cũng không thua lỗ quá nhiều.
Theo bà con tại đây, năm ngoái, vải muộn quả ra sai, đều thì mỗi ha phải cho thu hoạch khoảng 7 - 10 tấn, nhưng năm nay chỉ được có 3 – 4 tấn, thậm chí có nhà chỉ đủ ăn và biếu bạn bè.
Đấy là vải muộn, còn vùng phía Đông huyện Thanh Hà vải lại thắng, bởi tại đây đa phần trồng vải sớm. Giá vải sớm hiện tại thương lái đang thu mua tại vườn cao gấp rưỡi năm ngoái. Mỗi cân vải loại quả to, đẹp đang có giá 45.000 đồng/kg. Vải mã xấu, quả nhỏ cũng đã được 30.000 đồng/kg, bằng giá vải đẹp năm ngoái.
Mà đây mới chỉ là giá vải sớm, bà con Thanh Hà đang hi vọng khi thu hoạch vải muộn, giá có thể cao hơn một chút. Bởi theo những người trồng vải, vải muộn ăn vẫn khác vải sớm. Vải muộn có vị ngọt thơm, ngon hơn trong khi vải sớm dù chín vẫn có độ chát nhất định.
Vui vì vải sớm được giá, anh Nguyễn Viết Mạnh, ở thôn Thúy Lâm, Thanh Hà cho biết: “Hầu như vải ở Thanh Hà đều đã được trồng theo phương pháp VietGAP nên rất được giá (trồng theo phương pháp thường, giá chỉ 20.000 – 25.000 đồng/kg). Tuy không phải tất cả, nhưng nhà nào không mất mùa, 1 ha vải sớm trung bình cũng phải được 200 triệu đồng vụ này, nhà nào cao phải lên tới 300 triệu đồng.”
“So với năm ngoái, nhiều nhà còn lãi chứ chưa hẳn là lỗ, trừ đi chi phí khoảng 20 triệu đồng cho 1 ha thì số tiền thu lại vẫn khá. Không những thế, tuy 70% người dân ở phụ thuộc vào cây vải, nhưng việc chăm sóc vải cũng không quá tốn công sức”, anh Mạnh nói.
Vì theo anh Mạnh, cây vải chỉ cần chăm sóc theo chu kì, tháng mất 1 – 2 công làm cỏ, phun thuốc sâu, cây xấu thì bón lân. Thời gian khác có thể ra chợ buôn bán, hoặc chăn nuôi, trồng thêm mấy cây cảnh bán Tết.
Về đầu ra, nhiều năm trước quả vải chỉ loanh quanh trong nước, nhưng hiện nay đã có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ngoài một số thị trường dễ tính trong khu vực, đã có người ở Hào Xá (Thanh Hà) đã xuất khẩu được sang Mỹ, có người đã xuất được sáng Úc, Malaysia,...đem về lợi nhuận gấp hàng chục lần.
Tuy đã xuất khẩu tới thị trường khó tính, nhưng sự đầu tư quảng bá hình ảnh vải thiều Thanh Hà vẫn còn quá ít so với chất lượng và thương hiệu của thứ quả thơm ngon với truyền thống lâu đời này.
Thế Hưng