"Ngược đời" mua ô tô: Đặt nhiều tiền cọc nhưng không muốn nhận xe sớm

(Dân trí) - Chưa bao giờ các đại lý xe gặp cảnh "ngược đời" khách đặt cọc xe nhưng chưa muốn lấy ngay. Khi đại lý đề cập chuyện giao xe sớm và ký hợp đồng sớm, khách hàng đều không chịu.

Trước kia, người mua xe thường phải đặt thêm tiền cho đại lý để được nhận xe sớm. Tuy nhiên, hai tuần qua, xu thế đã ngược lại hoàn toàn: Người mua chấp nhận đặt cọc xe, nhưng không muốn ký làm hợp đồng giao xe ngay.

Rất nhiều người mua xe mong muốn nhận xe sau 1 đến 2 tháng nữa, nhằm chọn thời gian vàng để được giảm phí trước bạ.

Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe hơi lắp ráp trong nước, nhưng chính sách này vẫn phải chờ Quốc hội phê chuẩn, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn.

Ngược đời mua ô tô: Đặt nhiều tiền cọc nhưng không muốn nhận xe sớm - 1

Đang có hiện tượng người dân ồ ạt đặt cọc tiền mua xe từ đại lý, song không muốn nhận xe sớm (Ảnh: minh hoạ)

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, nhân viên bán xe ô tô của một đại lý lớn tại Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: "Trong 2 năm làm nghề này, chưa bao giờ tôi gặp cảnh khách "đòi" giao xe chậm như hiện nay. Trước đó, lúc nào khách cũng yêu cầu phải giao xe sớm nhất, thậm chí có khách còn trả thêm tiền để được nhận xe sớm".

Theo chị Tâm, tâm lý khách hàng chờ đợi nhận xe sau khi phí trước bạ giảm 50% mới nhận xe đã khiến nhiều đại lý gặp khó khăn.

Được biết, thông thường khách hàng mua xe chỉ được cọc từ 10 đến 15 ngày là phải thanh toán đủ tiền, nhưng hiện nay hầu hết các hãng phải cho khách đặt cọc từ 1 tháng, thậm chí có khách hàng 2 tháng mới giao hết tiền.

"Trước kia, mua xe 500 đến 700 triệu đồng, cọc sẽ là 10%, nhưng nay có khách hàng phải đặt cọc số lên đến 15% đến 20% giá bán xe. Ngược lại khách hàng sẽ được bảo đảm giữ giá từ nay đến lúc giao xe, đại lý cam kết không tăng giá bán ra", Ông Vũ Văn Lâm, chủ một đại lý xe tại quận Tây Hồ cho biết.

Hiện, trên thị trường xe xuất hiện thông tin hãng xe trong nước dừng khuyến mại, dừng kế hoạch giảm giá như thời điểm cuối tháng 4 đến giữa tháng 5.

Về trường hợp này, ông Lâm lý giải: "Các đợt khuyến mãi thường theo mốc thời gian nhất định, đợt này chúng tôi chạy trong hết tháng 5, tháng 6 không chạy chương trình nữa chứ không phải dừng vì phí trước bạ".

Hiện, những hãng xe nào đã tuyên bố giảm giá xe trong tháng 5 vẫn bảo lưu việc giảm giá, nhưng có thể thời gian sẽ không kéo dài. Cá biệt, có một số hãng cam kết giảm sâu đến hết năm.

Giám đốc truyền thông của doanh nghiệp xe trong nước cho biết: "Nếu tăng giá hoặc dừng khuyến mại thời điểm này dù với lý do gì cũng gây ức chế cho người tiêu dùng, thậm chí phản tác dụng. Chính vì vậy, một số hãng xe lớn đều duy trì giảm giá xe đến cuối năm, bất chấp việc giảm giá này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của đại lý, hãng. Tuy nhiên, đây là việc phải làm".

Thực tế, thời điểm này các hãng xe hơi vẫn phải vật lộn với bài toán doanh số, dịch Covid-19 mới qua, thị trường chưa ấm lên thì thông tin giảm phí trước bạ được Chính phủ đưa ra và đang trình Quốc hội phê duyệt. Chính sách chưa có thời gian thực thi đã vô tình gây khó cho các doanh nghiệp xe hơi trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Vỹ, chủ một đại lý xe hơi liên doanh tại Thanh Xuân than phiền: "Rủi ro chính sách đang khiến các đại lý rất khó khăn. Người dân đang nghe ngóng, trong khi đó xe nhập vẫn bán chạy. Chính sách giảm giá là của các hãng, nếu chúng tôi xé rào giảm giá cũng không được, chỉ có trường hợp nhân viên giảm chiết khấu của mình cho khách thêm thì có".

Về thông tin nhiều doanh nghiệp, đại lý xe hơi dừng giảm giá, dự kiến tăng giá trong thời gian sắp tới, chia sẻ với phóng viên Dân Trí, đại diện doanh nghiệp lắp ráp xe hơi cho rằng: "Việc tăng giá chủ yếu do chính sách từng hãng, nhưng thời điểm này không nên áp dụng biện pháp ấy vì nó có thể làm phản tác dụng của chính sách, gây mất niềm tin của khách hàng và có thể khiến người tiêu dùng tẩy chay".

An Linh